11:11, 20/11/2020

Nhà báo Phong Nguyên và "Hoa của Biển"

"Mấy độ thu qua, đông lại; mấy thuở nước lớn, nước ròng, mà những bến bờ xưa cũ vẫn cứ đinh ninh đứng đợi. Đợi như đợi những nhân duyên. Ai đó nói biển là cái nôi của sự sống. Đúng quá! Ai đó nói biển là người thầy thuốc vĩ đại, tận tụy và bao dung. Cũng đúng quá! Nhưng không chỉ vậy, biển còn trìu mến vỗ về, khỏa lấp những vết thương lòng thầm kín; làm nhân chứng cho bao cuộc hò hẹn, hàn huyên. Khách đến Nha Trang, cứ tìm tới biển. Để rồi bờ bãi muôn niên lưu giữ bước chân ai. Cây cỏ tịch liêu trong không gian vời vợi, gợi nhắc khôn cùng nỗi niềm lữ thứ. Khách đi rồi tình còn ở lại…".

“Mấy độ thu qua, đông lại; mấy thuở nước lớn, nước ròng, mà những bến bờ xưa cũ vẫn cứ đinh ninh đứng đợi. Đợi như đợi những nhân duyên. Ai đó nói biển là cái nôi của sự sống. Đúng quá! Ai đó nói biển là người thầy thuốc vĩ đại, tận tụy và bao dung. Cũng đúng quá! Nhưng không chỉ vậy, biển còn trìu mến vỗ về, khỏa lấp những vết thương lòng thầm kín; làm nhân chứng cho bao cuộc hò hẹn, hàn huyên. Khách đến Nha Trang, cứ tìm tới biển. Để rồi bờ bãi muôn niên lưu giữ bước chân ai. Cây cỏ tịch liêu trong không gian vời vợi, gợi nhắc khôn cùng nỗi niềm lữ thứ. Khách đi rồi tình còn ở lại…”.

 


Nhà báo, nhà văn Phong Nguyên vừa ra mắt bạn đọc tập bút ký - tùy bút “Hoa của biển” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2020). Đoạn văn nêu trên được trích từ bút ký “Ơi, Nha Trang…” in trong cuốn sách. Quả thật, không yêu, không gắn bó, không trải hết lòng mình với biển, khó có viết được đoạn văn như thế. Cũng chẳng khó khi lý giải vì sao Phong Nguyên lại lấy tên cuốn sách mới của mình là “Hoa của biển”. Bởi, hầu như gần hết tác phẩm được tuyển chọn, giới thiệu trong đó, dù ở góc độ này hay góc độ kia, lúc ít, lúc nhiều, tác giả đều nói về biển hoặc những vấn đề liên quan đến biển.


Biển trong bút ký, tùy bút của Phong Nguyên là biển ở vùng đất Khánh Hòa, nơi anh sinh ra và lớn lên. Ở đó, trên từng trang viết không chỉ có những cảnh đẹp thiên phú chứa đầy niềm tự hào mà còn là nơi in đậm những ký ức ngọt ngào của tuổi thơ tác giả đã đi qua với nhiều địa danh quen thuộc kéo dài từ Cam Ranh đến Vạn Ninh. Ở đó, không chỉ có những mảnh đời gian khó, cơ cực một thời mà còn có những bức tranh về sự phát triển không ngừng trong những năm gần đây.


Là phóng viên thường xuyên được tiếp cận với sự thay da đổi thịt của quê hương nên khi đề cập đến một vùng đất hay một nội dung nào đó, Phong Nguyên thường đưa ra nhiều tư liệu để so sánh rồi nhào nặn cùng những cảm xúc và ký ức, vốn sống của mình. Chính vì thế, mỗi bút ký hay tùy bút của anh luôn lấp lánh những sắc màu và hương vị của biển. Người đọc dễ dàng nhận ra điều này với hàng loạt bút ký như: “Ơi, Nha Trang…”, “Chuyện ở Xuân Đừng”, “Hỏi xem điệu múa dâng Bà”, “Miền chân sóng”, Bâng khuâng Điệp Sơn”, “Sông lau”, “Ngời sáng Ninh Vân”, “Hoa sau bão”, “Biển gọi”, “Hoa của biển”, “Chuyện về con tàu mang tên De Lanessan”…


Đặc biệt, viết về biển, có một mảng đề tài khá quan trọng đã được anh tập trung khai thác và đưa vào cuốn sách của mình - đó là Trường Sa. Không chỉ cung cấp thêm nhiều tư liệu quý để khẳng định chủ quyền của đất nước ta với Hoàng Sa, Trường Sa, ngòi bút của Phong Nguyên đã tập trung khai thác, phản ánh bức tranh sinh động về cảnh sinh hoạt, lao động chiến đấu của quân và dân ta ở nơi tiền tiêu đầy sóng gió của Tổ quốc cũng như tấm lòng của cán bộ, nhân dân ở đất liền hướng về biển đảo. “Tâm nguyện Trường Sa”, “Đất thiêng”, “Hòa bình không chỉ khát khao, mong nuốn mà có…” là những bút ký tiêu biểu trong cuốn sách viết về nội dung này.


Viết báo và viết văn, có lẽ hai yếu tố ấy ở một con người khi hòa lại đã giúp cho bút ký của Phong Nguyên không chỉ đầy ắp những tư liệu, những chi tiết mà còn được diễn đạt qua một lối văn nhẹ nhàng, tạo thành đặc điểm nổi rõ trong “Hoa của biển”. Đáng chú ý là ở nhiều trang viết, chất trữ tình được tác giả tập trung khai thác, tạo nên sự cuốn hút đối với người đọc. Chẳng hạn như đoạn văn trong bút ký “Tâm nguyện Trường Sa” khi anh đề cập đến một ngôi chùa trên đảo Song Tử Tây: “Tàu còn cách đảo khá xa, đã thấy mái chùa cong cong, thấp thoáng trong bóng cây xanh. Hình ảnh làng quê Việt Nam hiện lên thật gần gũi và hồn hậu giữa biển trời lộng gió. Giữa sóng gió trùng khơi, những mái chùa Trường Sa thực sự là mái nhà ấm cúng cho đời sống tâm linh của những người đang sống và cho cả hương hồn những người đã dừng chân yên nghỉ nơi đây. Và, đó cũng là những ngọn đền thắp sáng thêm bao nhiêu hạnh nguyện tốt lành của những người đang sinh sống, học tập và chiến đâu trên mảnh đất này…”.


“Hoa của biển” là tập bút ký thứ 2 của Phong Nguyên, sau “Giọt máu thiêng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2010). Người đọc sẽ bắt gặp ở cuốn sách những điều lý thú của một nhà văn, nhà báo sinh ra bên biển và một đời yêu biển.


Hoàng Nhật Tuyên