10:11, 17/11/2020

Đưa lễ cúng bến nước đến khán giả thủ đô

Tham gia Triển lãm Du lịch qua các miền di sản văn hóa Việt Nam năm 2020 diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 19 đến 23-11, tỉnh Khánh Hòa sẽ giới thiệu đến du khách những hình ảnh đặc trưng về văn hóa xứ Trầm Hương. Đặc biệt là phần tái hiện lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê.

Tham gia Triển lãm Du lịch qua các miền di sản văn hóa Việt Nam năm 2020 diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 19 đến 23-11, tỉnh Khánh Hòa sẽ giới thiệu đến du khách những hình ảnh đặc trưng về văn hóa xứ Trầm Hương. Đặc biệt là phần tái hiện lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê.


Gần một tháng qua, tại nhà cộng đồng thôn Buôn Đung (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) lại rộn lên tiếng chiêng cùng những màn tái hiện nghi thức lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê nơi đây. Tuy chỉ tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa và được gói gọn trong khoảng 60 phút nhưng cũng đầy đủ nghi thức cơ bản về lễ cũng bến nước, từ công đoạn chuẩn bị lễ cúng, phần cúng tế, đến phần hội với những màn hát múa đặc trưng của dân tộc Ê đê. “Theo truyền thống, lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất chuẩn bị, ngày thứ hai đoàn người lần lượt đi cúng các bến nước trong buôn, ngày thứ ba tập trung về nhà chủ bến nước để cúng thần linh và bắt đầu phần hội. Nhưng trong những năm gần đây, cả phần chuẩn bị, phần lễ, phần hội cũng chỉ diễn ra hơn một ngày. Phần tái hiện này đã đầy đủ các nghi thức chính để cơ bản hình dung được lễ cúng bến nước như thế nào”, ông Y Hy - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây cho biết.

 

Người dân thôn Buôn Đung tập luyện nội dung tái hiện lễ cúng bến nước.

Người dân thôn Buôn Đung tập luyện nội dung tái hiện lễ cúng bến nước.


Xã Ninh Tây có 7 thôn, trong đó 4 thôn có đông đồng bào Ê đê sinh sống là Buôn Lác, Buôn Sim, Buôn Tương, Buôn Đung. Đây cũng là những thôn vẫn còn giữ được lễ cúng bến nước hàng năm. Tùy theo phong tục của mỗi thôn, lễ cúng bến nước thường được tổ chức vào mùng 1 Tết Nguyên đán, hoặc ngày 14 tháng Giêng. Quy mô của buổi lễ cũng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của người dân trong buôn vào mỗi năm. Có năm được mùa, làm ăn khá giả thì lễ cúng được tổ chức lớn, lễ vật cũng tươm tất hơn. Ngược lại, gặp năm mất mùa, kinh tế các hộ khó khăn thì lễ cúng nhỏ hơn, tinh giảm nhiều phần lễ vật. “Lễ cúng bến nước thường do già làng và các thành viên hội đồng làng bàn bạc quyết định. Có năm làm lớn, có năm làm nhỏ, thậm chí có năm không tổ chức. Thời gian gần đây, do đời sống của người dân có những thay đổi nên nhiều nghi thức cũng đã được lược bớt. Tuy nhiên, nội dung phần lễ chính diễn ra tại bến nước vẫn được đảm bảo”, ông Y Pri (60 tuổi) - thôn Buôn Đung cho biết.


Theo một cán bộ của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, việc sân khấu hóa lễ hội cúng bến nước là cách để có thể giới thiệu những nét độc đáo về một sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Ê đê đến người dân và du khách gần xa. Tuy chỉ tái hiện các nghi thức cơ bản nhưng trước đó người của trung tâm cũng phải đi tới từng buôn làng, gặp từng già làng, thầy cúng để tìm hiểu kỹ những nghi thức chính trong lễ cúng bến nước ở các buôn, tiếp theo mới tiến hành xây dựng kịch bản và hiệu chỉnh kịch bản để sao cho đúng với phong tục của đồng bào nhất. Việc những người dân ở thôn Buôn Đung trực tiếp trình diễn lễ cúng bến nước tại thủ đô Hà Nội cũng nhằm giới thiệu di sản văn hóa này được sinh động hơn.


Nhân Tâm

 




Triển lãm Du lịch qua các miền di sản văn hóa Việt Nam năm 2020 do Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, TP. Hà Nội). Đây là hoạt động chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11 và cũng là sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên và danh thắng độc đáo của Việt Nam. Ngoài các hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu, hội thảo, ban tổ chức còn chọn 7 tỉnh, thành phố trong toàn quốc tham gia thực hiện các không gian văn hóa đặc trưng của địa phương mình.