09:11, 12/11/2019

Tái hiện câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa vừa công diễn vở tuồng ngắn Mỵ Châu - Trọng Thủy. Việc dàn dựng vở diễn nhằm phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố và sân khấu học đường của nhà hát.

 

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh Khánh Hòa vừa công diễn vở tuồng ngắn Mỵ Châu - Trọng Thủy. Việc dàn dựng vở diễn nhằm phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố và sân khấu học đường của nhà hát.


Gợi lại những bi kịch lịch sử


Lấy nội dung từ truyền thuyết nổi tiếng, vở tuồng Mỵ Châu - Trọng Thủy đã đem đến cho khán giả cảm nhận về những giá trị trong cuộc sống, về sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Đảm nhận việc dàn dựng vở diễn là ê kíp với những tên tuổi, gồm: NSND Hoài Huệ - đạo diễn; tác giả kịch bản - Kính Dâng; âm nhạc - Đỗ Hữu Trí; biên đạo múa - Đỗ Thị Kim Tiễn. Đảm nhận các vai diễn là những nghệ sĩ của Đoàn Tuồng thuộc Nhà hát NTTT tỉnh như: Cao Phước, Xuân Hùng, Thúy Thoa, Anh Sang, Văn Nghiêm…

 

Cảnh kết duyên của Mỵ Châu - Trọng Thủy.

Cảnh kết duyên của Mỵ Châu - Trọng Thủy.


Vở diễn được mở đầu bằng những câu thơ trong bài Tâm sự của nhà thơ Tố Hữu: Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/Trái tim lầm chỗ để trên đầu/Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu. Câu chuyện kịch diễn tiến từ thời điểm Thục Phán An Dương Vương xây dựng xong thành Cổ Loa và có được nỏ thần để bảo vệ đất nước. Tiếp đó là âm mưu của Triệu Đà cho con trai là Trọng Thủy kết duyên cùng Mỵ Châu để tìm thời cơ xâm lược Âu Lạc. Để rồi từ đó, những bi kịch lịch sử đã xảy ra. Gợi lại những bi kịch đau thương trong lịch sử dân tộc, vở diễn làm cho mỗi chúng ta thêm thấm bài học về giữ gìn giang sơn, đất nước. “Tôi thấy vở diễn khá hay. Nội dung nói về câu chuyện ngày xưa nhưng vẫn mang đến những giá trị cao quý đối với cuộc sống hôm nay”, bà Kiều Thị Lý (xã Diên An, huyện Diên Khánh) - một khán giả cho biết. 


Những yếu tố bất ngờ


Với mục đích dàn dựng vở diễn để phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố và sân khấu học đường của Nhà hát NTTT tỉnh nên vở diễn có những sự điều chỉnh theo hướng tinh - nhanh - gọn, phù hợp với điều kiện thưởng thức nghệ thuật truyền thống hiện nay. Nếu trước đây các vở tuồng dài từ 120 phút trở lên thì vở Mỵ Châu - Trọng Thủy chỉ gần 80 phút. Tiết tấu, nhịp độ của vở diễn được đẩy lên rất nhanh, tạo sự cuốn hút liên tục cho khán giả. Các diễn viên sử dụng nhiều vũ đạo tuồng để thể hiện nội dung, phần hát trong vở diễn cũng ngắn gọn. “Việc rút ngắn thời gian vở diễn thực sự đã tạo ra nhiều khó khăn khi dàn dựng. Vì thế, chúng tôi buộc phải áp dụng nhiều kỹ thuật diễn mang tính biểu trưng cao. Khi vở diễn hoàn thành, bản thân tôi thấy đây là cách làm hay có thể áp dụng về sau để sân khấu truyền thống phù hợp với thị hiếu thời đại”, NSND Hoài Huệ cho biết. Mặc dù đã rút ngắn thời lượng nhưng theo ý kiến của nhiều khán giả, vở diễn này vẫn có thể rút ngắn được hơn nữa, nhất là ở những cảnh cuối.

 

Cảnh Mỵ Châu - Trọng Thủy trước lúc chia tay.

Cảnh Mỵ Châu - Trọng Thủy trước lúc chia tay.


Một số tình tiết trong nội dung câu chuyện cũng được ê kíp dàn dựng thay đổi so với truyền thuyết. Chẳng hạn, trong truyền thuyết nói rõ việc Thục Phán An Dương Vương sau khi nghe thần Kim Quy chỉ rõ giặc ở sau lưng đã rút gươm đâm chết Mỵ Châu. Nhưng trong vở diễn, các tác giả đã dùng thủ pháp nghệ thuật để Mỵ Châu lao vào lưỡi gươm của cha mình để tự tử. Hay cảnh cuối, An Dương Vương được thần Kim Quy cõng xuống biển đã được thay thế bằng cảnh An Dương Vương tự đi xuống biển. Hình ảnh thần Kim Quy đã không xuất hiện trong vở diễn như truyền thuyết. Giải thích về điều này, NSND Hoài Huệ cho rằng, những thay đổi này không làm mất đi nội dung câu chuyện, nhưng nó bớt được yếu tố phản cảm khi thể hiện trên sân khấu.


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đây là vở diễn ngắn nhưng bố cục, nội dung câu chuyện khá đầy đủ. Đội ngũ diễn viên cũng đã đảm nhận tốt các vai diễn và đáp ứng được những yêu cầu về thủ pháp biểu diễn của ê kíp dàn dựng.


Giang Đình