10:10, 11/10/2019

Họa sĩ Bùi Văn Quang và niềm đam mê phim ảnh

Với người yêu mỹ thuật, họa sĩ Bùi Văn Quang không hề xa lạ. Thế nhưng, ít người biết, ngoài vẽ tranh, ông còn rất đam mê sưu tập phim. Sau hơn 30 năm sưu tập, ông có khoảng 1.500 bộ phim, trong đó có nhiều tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam và thế giới.
 

Với người yêu mỹ thuật, họa sĩ Bùi Văn Quang không hề xa lạ. Thế nhưng, ít người biết, ngoài vẽ tranh, ông còn rất đam mê sưu tập phim. Sau hơn 30 năm sưu tập, ông có khoảng 1.500 bộ phim, trong đó có nhiều tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam và thế giới.
 
Kể về duyên nợ với thú vui này, họa sĩ Bùi Văn Quang cho biết, ngày còn nhỏ, ông rất mê xem phim, ngoài chuyện vẽ vời, có tiền là ông lại đến rạp phim. Những bộ phim ông xem từ nhỏ đến giờ vẫn còn nhớ. Những năm cuối thập niên 80, ông bắt đầu sưu tầm những bộ phim yêu thích được phát hành bằng băng VHS. Hồi đó, mỗi khi có dịp đi TP. Hồ Chí Minh, ông thường ghé lại tiệm băng đĩa của Fafilm Việt Nam ở đường Thái Văn Lung để tìm mua các băng phim gốc có chất lượng cao. Sau này, khi phim chuyển sang định dạng VCD, DVD, Bluray, ông cũng không tiếc tiền để mua những bộ phim mà ông yêu thích. Hiện nay, kho phim của ông đã lên đến khoảng 1.500 bộ, trong đó phần nhiều là các phim từng đoạt giải cao tại các liên hoan phim (LHP) danh tiếng như: Oscar (Mỹ), Cannes (Pháp), Venice (Ý), Berlin (Đức)…

 

Họa sĩ Bùi Văn Quang giới thiệu một số phim đang được ông lưu giữ.
Họa sĩ Bùi Văn Quang giới thiệu một số phim đang được ông lưu giữ.
 
Họa sĩ Bùi Văn Quang là gương mặt nổi bật trong giới nghệ sĩ xứ Trầm Hương đương đại. Ông từng nhiều lần được giải cao ở các kỳ triển lãm mỹ thuật miền Trung - Tây Nguyên và toàn quốc. Ông cũng từng tổ chức các triển lãm tranh ở nước ngoài; tranh của ông được các nhà sưu tập quốc tế lưu giữ.
 
Căn nhà của họa sĩ Bùi Văn Quang ở Khu đô thị VCN Phước Hải (TP. Nha Trang) ngập tràn phim ảnh. Có thể tìm thấy ở đây những bộ phim kinh điển của các đạo diễn lừng danh: Cuốn theo chiều gió của Victor Fleming, Bố già của Francis Coppola, Rashomon (Lã sanh môn) của A.Kurosawa… đến phim của những đạo diễn nổi tiếng thuộc thế hệ gần đây như: Spielberg, Oliver Stone, Jame Cameron, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Vương Gia Vệ, Kim Ki Duk. Đương nhiên, trong bộ sưu tập phim của ông không thể thiếu những bộ phim kinh điển của Việt Nam như: Em bé Hà Nội, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Đêm hội Long Trì, Ván bài lật ngửa… Dù sưu tầm đủ thể loại phim như: hành động, dã sử, nghệ thuật, viễn tưởng nhưng họa sĩ Bùi Văn Quang vẫn thích nhất các bộ phim nghệ thuật. “Một bộ phim nghệ thuật hay có thể thay đổi quan niệm và tính cách cả một người trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi sưu tập, tôi rất thích các bộ phim có tính nghệ thuật cao, chạm vào những vấn đề có tính nhân bản của con người. Đáng tiếc là những bộ phim như thế không dễ tìm, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi các bộ phim thương mại, giải trí đang thống trị các rạp chiếu…”, họa sĩ cho biết.
 
Sở hữu số lượng phim khá lớn, mỗi lần dọn nhà, họa sĩ Bùi Văn Quang mất rất nhiều công sức để vận chuyển, sắp xếp lại kho phim đã sưu tầm được. Thỉnh thoảng, ông lại phải đem số băng VHS ra tua bằng tay để băng từ khỏi bị dính. Mỗi khi có thời gian, ông lại xem phim. Có những phim như: Bá vương biệt cơ (đạo diễn Trần Khải Ca), Thu Cúc đi kiện (đạo diễn Trương Nghệ Mưu), Tâm trạng khi yêu (Vương Gia Vệ)… ông xem đi xem lại nhiều lần. “Tôi xem phim để thưởng thức tài nghệ của diễn viên, tài năng của đạo diễn, nên dù xem đi xem lại vẫn không thấy chán. Chỉ một câu chuyện rất nhỏ, Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi đã làm được phim Thu Cúc đi kiện đoạt giải Sư tử vàng của LHP Venice danh giá… Đó là điều mà những người làm phim của chúng ta phải học hỏi”, họa sĩ Bùi Văn Quang chia sẻ.
 
Thời đại kỹ thuật số, cửa hàng băng đĩa ở Nha Trang gần như không còn, nên việc sưu tập phim của họa sĩ Bùi Văn Quang gặp khó khăn hơn trước. Ông thường xuyên đọc các tin tức về phim mới, có phim hay thì đặt hàng để các cửa hàng chuyên bán băng đĩa phim ở TP. Hồ Chí Minh chuyển về. Tuy vất vả và khá tốn kém, nhưng người nghệ sĩ này vẫn chưa bao giờ có ý định dừng lại, bởi đó là đam mê cả một đời người. “Tôi mong muốn khi nào có điều kiện sẽ xây dựng một phòng riêng để xem phim và lưu trữ phim”, ông bày tỏ.
 
NHẬT LỆ