10:09, 10/09/2019

Phong trào văn hóa cơ sở: Chưa như kỳ vọng

Triển khai các nội dung liên quan đến phong trào, hoạt động văn hóa cơ sở, thời gian qua, tỉnh đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức phụ trách văn hóa, thông tin cơ sở. 

Nỗ lực xây dựng phong trào


Triển khai các nội dung liên quan đến phong trào, hoạt động văn hóa cơ sở, thời gian qua, tỉnh đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức phụ trách văn hóa, thông tin cơ sở. Việc đánh giá chất lượng hoạt động văn hóa ở các trung tâm văn hóa - thông tin - thể thao, các nhà sinh hoạt cộng đồng được tổ chức theo đúng định kỳ. Các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: hát bài chòi, đờn ca tài tử được khai thác, phát huy. Các phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội thi thông tin lưu động, liên hoan chiến sĩ hát và hát về chiến sĩ, liên hoan các làng văn hóa, hội thi tìm hiểu di sản văn hóa, ngày văn hóa các dân tộc… được duy trì tổ chức và có sự mở rộng về quy mô, chất lượng cũng được nâng cao.

 

Hội diễn nghệ thuật quần chúng hàng năm  là hoạt động ý nghĩa đối với phong trào văn hóa cơ sở.

Hội diễn nghệ thuật quần chúng hàng năm là hoạt động ý nghĩa đối với phong trào văn hóa cơ sở.


Ngoài ra, còn có hội diễn nghệ thuật quần chúng do Liên đoàn Lao động tỉnh và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức. Điều đó vừa tạo nên bầu không khí văn hóa, văn nghệ sôi nổi, vừa góp phần định hướng cho phong trào văn nghệ quần chúng. Ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết. “Mỗi lần tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng là dịp để anh chị em làm công tác văn hóa cơ sở có dịp giao lưu, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động. Từ đây, mọi người có cái nhìn toàn diện, chính xác hơn về vai trò, hướng đi của phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở”,


Phong trào văn hóa quần chúng còn phát triển trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật. Hiện toàn tỉnh có 16 chi hội Câu lạc bộ (CLB) Văn học trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, với hơn 300 hội viên đang hoạt động có hiệu quả ở các huyện, thị xã, thành phố. CLB Âm nhạc, CLB Múa, CLB Ca sĩ trẻ, CLB Ca nhạc truyền thống… đã quy tụ hàng trăm thành viên tham gia. Mỗi năm, những CLB này tổ chức hơn 100 đêm sinh hoạt, biểu diễn nghệ thuật. “Có nhiều hội viên Hội Văn học Nghệ thuật đang là nòng cốt ở các CLB văn học nghệ thuật của các địa phương. Họ hoạt động rất tích cực, có đam mê và có những tác phẩm được công chúng đón nhận”, họa sĩ Trần Hà - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết.  


Để thu hẹp khoảng cách


Đánh giá khách quan thì khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh vẫn còn khá lớn. Để góp phần thu hẹp khoảng cách đó, hàng năm, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp gồm: Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, các đội chiếu phim lưu động đã tổ chức hàng trăm buổi diễn phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Điều này góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân, nhất là những dịp lễ, Tết. Đặc biệt, hơn 10 năm qua, các đơn vị gồm: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Trường Đại học Khánh Hòa đã tổ chức các loại hình biểu diễn nghệ thuật đường phố vào những tối cuối tuần, đáp ứng một phần nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân và du khách.


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, dù có nhiều nỗ lực, nhưng đời sống văn hóa tinh thần tại các khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu. Việc đầu tư cho các thiết chế văn hóa ở những khu vực này dù được quan tâm, nhưng khoảng cách hưởng thụ văn hóa vẫn chưa được thu hẹp với khu vực đồng bằng, đô thị. Công tác xã hội hóa trong việc phát triển văn hóa tại các khu vực điều kiện còn khó khăn gần như không thực hiện được. Hoạt động văn hóa mang tính giải trí cao vẫn chỉ tập trung tại khu vực đô thị trong tỉnh. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức, quán triệt đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào văn hóa cơ sở. Chính vì thế, việc triển khai các giải pháp để thúc đẩy phong trào phát triển chỉ mang tính hình thức. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, môi trường văn hóa, dịch vụ du lịch chưa có sự gắn kết để hướng tới sự phát triển bền vững…


Những hạn chế nêu trên đang làm cho bước chuyển của phong trào văn hóa cơ sở vẫn chưa được như kỳ vọng. Vậy nhưng, để có thể tháo gỡ được là điều không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh văn hóa nghệ thuật đang đối diện với nhiều thách thức như hiện nay.


Giang Đình