08:09, 20/09/2019

Dòng chảy bài chòi ở Khánh Hòa

Bài chòi là loại hình nghệ thuật truyền thống phổ biến ở Khánh Hòa. Từ nền tảng ban đầu là đoàn kịch hát phục vụ chiến trường, đến nay, dù có những bước thăng trầm, nhưng dòng chảy của sân khấu kịch bài chòi ở Khánh Hòa vẫn luôn được duy trì liền mạch.

Bài chòi là loại hình nghệ thuật truyền thống phổ biến ở Khánh Hòa. Từ nền tảng ban đầu là đoàn kịch hát phục vụ chiến trường, đến nay, dù có những bước thăng trầm, nhưng dòng chảy của sân khấu kịch bài chòi ở Khánh Hòa vẫn luôn được duy trì liền mạch.


Đoàn hát từ chiến trường


Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức và NSƯT Hoàng Minh Tâm là 2 trong số hàng chục nghệ sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của sân khấu kịch hát bài chòi tại mảnh đất Khánh Hòa. Cuối năm 1971, Đoàn Ca kịch liên khu 5 tuyển nghệ sĩ cho lớp dân ca khu 5B để chuẩn bị vào chiến trường miền Nam phục vụ. “Tôi tham gia lớp đào tạo ở vị trí của một nhạc công. Nhưng do yêu cầu mỗi người phải biết chơi từ 2 nhạc cụ trở lên nên tôi học thêm và có thể chơi được đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc”, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức cho biết. Còn NSƯT Hoàng Minh Tâm chia sẻ: “Tôi trúng tuyển vào vị trí diễn viên và may mắn được các nghệ sĩ: Thái Sơn, Nguyễn Kiểm, Lệ Thi… trực tiếp truyền dạy các vai diễn trong sân khấu kịch hát bài chòi. Chính điều đó đã giúp cho chúng tôi có thể nhanh chóng nắm bắt được cách diễn, cách hát của ca kịch bài chòi”.

 

Vở dân ca kịch bài chòi Phù vân do Đoàn Dân ca kịch thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống biểu diễn.

Vở dân ca kịch bài chòi Phù vân do Đoàn Dân ca kịch thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống biểu diễn.


Cuối năm 1974, các nghệ sĩ hành quân vào vùng miền núi tỉnh Quảng Nam để biểu diễn phục vụ chiến sĩ, người dân trong khu vực dưới tên Đoàn Ca kịch giải phóng khu Trung - Trung Bộ thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy 5. Dù phải đối diện với bom đạn, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, nhưng tình yêu nghề, lòng quyết tâm vượt qua hoàn cảnh chiến tranh để phục vụ khán giả luôn thôi thúc mỗi nghệ sĩ hăng say biểu diễn.


Sau giải phóng, Đoàn Ca kịch giải phóng khu Trung - Trung Bộ được Ban Tuyên huấn Khu ủy 5 điều về xây dựng phong trào văn nghệ ở Phú Khánh. Đoàn đã sáp nhập với Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Khánh Hòa và đổi tên thành Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh. Đây chính là nền tảng ban đầu để xây dựng, phát triển loại hình sân khấu kịch hát bài chòi trên mảnh đất Khánh Hòa. Sau khi tách tỉnh, đoàn được đổi tên thành Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa, rồi Đoàn Dân ca kịch thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống như hôm nay.


Dòng chảy liền mạch


Sau giải phóng, đoàn bắt tay ngay vào việc biểu diễn, phổ biến loại hình bài chòi đến khán giả. Có một lợi thế là các nghệ sĩ, diễn viên vừa có năng khiếu vừa được đào tạo khá bài bản nên rất giỏi nghề. Chính vì thế, đoàn đủ sức đảm nhiệm việc xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ, nhằm cổ vũ, động viên nhân dân, chiến sĩ trên địa bàn tỉnh. “Từ những ngày đầu về Khánh Hòa đến bây giờ, sân khấu kịch hát bài chòi đã trải qua rất nhiều thăng trầm nhưng vẫn luôn được duy trì và phát triển. Điều đó đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, cũng như định hướng tư tưởng văn hóa cho đông đảo quần chúng”, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức nhìn nhận.


Thời bao cấp khó khăn, các nghệ sĩ thậm chí phải đến các vùng kinh tế mới, vừa tham gia lao động sản xuất, vừa biểu diễn phục vụ nhân dân. Rồi đến đầu những năm 1980 là những tháng ngày hoàng kim của đoàn. Đoàn liên tục đi lưu diễn khắp cả nước và nhận được sự yêu mến của khán giả. Các suất diễn của đoàn luôn bán hết vé, thậm chí có những đêm diễn ở Thanh Hóa, Nghệ An đã “vỡ” khán đài vì lượng khán giả quá đông. Hàng loạt vở diễn của đoàn lúc đó đã để lại ấn tượng mạnh đối với khán giả như: Tiếng sấm Tây Nguyên, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Hai dòng sữa mẹ, Vua hóa hổ, Hồn vọng phu… Không những được khán giả yêu mến, các đồng nghiệp trong nghề cũng dành sự ngưỡng mộ đối với đoàn. “Kịch hát bài chòi ở Khánh Hòa lúc đó đã có sự phát triển đến độ toàn diện. Các vở diễn, vai diễn, làn điệu đều có sự sáng tạo và để lại nhiều ấn tượng cho khán giả”, NSƯT Hoàng Minh Tâm cho biết. Thế hệ các nghệ sĩ thời bấy giờ được khán giả nhớ mặt như: Hoàng Minh Tâm, Thanh Bình, Hạnh Nguyên, Minh Nhâm…


Từ năm 2000 đến nay, cùng với thực trạng chung của sân khấu truyền thống cả nước, sân khấu kịch hát bài chòi ở Khánh Hòa cũng gặp khó khăn. Mặc dù vậy, các nghệ sĩ lớp sau vẫn nối tiếp nhau kế tục, gìn giữ loại hình sân khấu này. Theo nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức, dù có bước thăng trầm, nhưng sân khấu kịch hát bài chòi ở Khánh Hòa luôn khẳng định được vị thế chuyên môn của mình. Dòng chảy của loại hình nghệ thuật này luôn được duy trì liền mạch, dù có khó khăn đến đâu cũng chưa bao giờ bị đứt đoạn. Điều cần thiết hiện nay là tìm ra được một hướng đi phù hợp để kịch hát bài chòi lại có dịp tỏa sáng.


Giang Đình