09:04, 02/04/2019

Đi tìm kho tàng văn hóa các dân tộc thiểu số

Bảo tàng tỉnh đang xây dựng dự án sưu tầm, bảo quản, trưng bày di sản văn hóa truyền thống 3 dân tộc thiểu số Raglai, Ê đê, T'rin. Việc làm này nhằm phục vụ cho mục đích trưng bày, giới thiệu thường xuyên của đơn vị, đồng thời là bước chuẩn bị cho Bảo tàng tỉnh mới sau này.

Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng dự án sưu tầm, bảo quản, trưng bày di sản văn hóa truyền thống 3 dân tộc thiểu số (DTTS) Raglai, Ê đê, T’rin. Việc làm này nhằm phục vụ cho mục đích trưng bày, giới thiệu thường xuyên của đơn vị, đồng thời là bước chuẩn bị cho Bảo tàng tỉnh mới sau này.


Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa truyền thống của Sở Văn hóa và Thể thao, hiện tại, các dân tộc: Raglai, Ê đê, T’rin có 53.642 người, sinh sống ở các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh. Các DTTS này đang lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Những công cụ sản xuất, trang phục truyền thống, kiến trúc nhà ở, phương tiện vận chuyển, trang sức, nhạc cụ truyền thống, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, ngôn ngữ giao tiếp, ẩm thực… vẫn còn được đồng bào thực hành trong cuộc sống hôm nay. Đây chính là kho tàng văn hóa truyền thống của các dân tộc, cần được quan tâm gìn giữ, phát huy. “Thực hiện việc sưu tầm các hiện vật văn hóa 3 DTTS nhằm góp phần giữ gìn, bảo quản lâu dài và phát huy giá trị các di sản đó. Từ đây, chúng tôi có cơ sở để trưng bày, giới thiệu phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của người dân và du khách. Đây cũng là bước đi cần thiết để chuẩn bị cho chuyên đề của bảo tàng tỉnh mới sau này”, ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết.

 

Đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý.

Đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý.


Để việc sưu tầm đạt hiệu quả, ngoài những yêu cầu cơ bản về mặt chuyên môn của người trực tiếp đi làm nhiệm vụ, còn đòi hỏi các hiện vật phải đảm bảo các giá trị đẹp, đúng nguyên gốc, đã qua sử dụng. Đặc biệt, các hiện vật phải đồng bộ, không riêng lẻ, đơn độc và phù hợp với môi trường xã hội, bối cảnh cụ thể; phải có đầy đủ thông tin và câu chuyện liên quan đến nó để phục vụ cho việc trưng bày, giới thiệu theo xu hướng mới của bảo tàng. Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu sẽ tập trung vào các nhóm đối tượng gồm: khu vực cư trú, sinh kế, nghề thủ công, nghi lễ vòng đời, văn hóa phi vật thể. Thông qua đó để nhận diện, xác định các giá trị đảm bảo tiêu chí truyền thống, điển hình của di sản. Đây cũng là căn cứ để tiến hành chỉnh lý, nâng cấp nhằm tăng cường tính hấp dẫn của nội dung trưng bày. Bởi số lượng hơn 300 hiện vật về 3 tộc người Raglai, Ê đê, T’rin đã được sưu tầm và giới thiệu lâu nay là quá ít so với tiềm năng. Nhiều hiện vật trong số đó đang có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Theo ông Lê Chí Hướng, thông qua dự án này, đơn vị muốn tạo được cái nhìn mang tính tổng quan về những giá trị văn hóa truyền thống của 3 DTTS nêu trên. Từ đó, giúp cho những người tham quan bảo tàng có thể hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc. Đây cũng là cơ sở để đơn vị có thể áp dụng những hình thức trưng bày, giới thiệu hiện vật mang tính hiện đại, hấp dẫn hơn.


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, tiềm năng giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Raglai, Ê đê, T’rin rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, việc sưu tầm, giới thiệu về nó lâu nay vẫn còn những hạn chế. Với việc đề án xây dựng Bảo tàng tỉnh mới đã được UBND tỉnh phê duyệt, dự án sưu tầm, bảo quản, trưng bày di sản văn hóa truyền thống điển hình của 3 dân tộc Raglai, Ê đê, T’rin trên địa bàn tỉnh là một bộ phận trong đó đã mở ra cơ hội cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc trên được hiệu quả, thiết thực hơn.


Hiện tại dự án này đã được Bảo tàng tỉnh hoàn thành dự thảo và đang trong quá trình lấy ý kiến của các thành viên trong Hội đồng tư vấn xây dựng Bảo tàng tỉnh trước khi hoàn thiện để Sở Văn hóa và Thể thao trình UBND tỉnh phê duyệt. Dự án sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2019 và 2020. Kết quả của dự án sẽ góp phần quan trọng trong vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh - một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhưng lâu nay hiệu quả vẫn chưa cao.


Giang Đình