11:03, 08/03/2019

Nét đẹp văn hóa của đồng bào Raglai

Mỗi dịp lễ, Tết, bên cạnh những làn điệu dân ca, những tiếng sáo, tiếng đàn ngân nga, đồng bào Raglai lại cùng nhau tham gia những trò chơi dân gian độc đáo, thể hiện những nét đẹp văn hóa rất riêng.

Mỗi dịp lễ, Tết, bên cạnh những làn điệu dân ca, những tiếng sáo, tiếng đàn ngân nga, đồng bào Raglai lại cùng nhau tham gia những trò chơi dân gian độc đáo, thể hiện những nét đẹp văn hóa rất riêng.


Từng nhiều lần tham dự lễ ăn mừng đầu lúa mới hay Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, chúng tôi có dịp được xem đồng bào Raglai thể hiện tài năng, sự khéo léo của mình thông qua các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, đu dây, đánh quay, mang gùi tiếp sức, bắn nỏ, chơi u, đi cà kheo… Mỗi trò chơi đều bắt nguồn từ chính cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân nên rất gần gũi, mộc mạc. “Đồng bào Raglai rất thích tham gia các trò chơi dân gian. Nó vừa mang tính giải trí, nhưng cũng chính là sự mô phỏng lại những hoạt động lao động, sản xuất nên rất dễ chơi”, ông Cao Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho biết.

 

Trò chơi đẩy gậy tại Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018.

Trò chơi đẩy gậy tại Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018.


Trò chơi dân gian được đồng bào Raglai yêu thích nhất chính là môn bắn nỏ. Những chiếc nỏ vốn là công cụ được người dân sử dụng vào việc xua đuổi thú hoang, bảo vệ mùa màng đã trở thành một vật dụng để những chàng trai, cô gái thi thố tài năng với nhau. Với các chàng trai, trò chơi đẩy gậy là dịp để mỗi người thể hiện được sức mạnh, tinh thần thượng võ của mình. Chỉ với một chiếc gậy được làm từ gỗ hoặc thân tre già, mỗi người nắm lấy một đầu gậy và dùng sức của mình để đẩy đối phương ra khỏi vòng tròn là giành chiến thắng. Trò chơi đơn giản bắt nguồn từ một câu chuyện trong dân gian đã thể hiện phần nào nét đẹp văn hóa tinh thần. Ngày nay, trò chơi đẩy gậy còn thu hút phái nữ tham gia. Trò chơi đánh quay lại đòi hỏi mỗi người có sự khéo léo của đôi tay và sự nhanh nhạy của đôi mắt. Mỗi con quay được làm bằng gỗ tốt để không bị quay của đối phương đánh vỡ. Hay trò chơi thi đi cà kheo đòi hỏi người chơi vừa phải giữ được thăng bằng khi đứng trên những thân tre, vừa phải di chuyển thật nhanh… “Thanh niên chúng mình thích chơi các trò chơi này lắm. Nó giúp tôi rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí và có dịp được đi nhiều nơi để thi thố tài năng”, anh Mấu Xuân Hà (huyện Khánh Sơn) cho biết.


Theo phong tục truyền thống, lễ cúng đầu lúa mới là dịp lễ lớn nhất trong năm của đồng bào Raglai. Nhưng ngày nay, trong mối giao lưu văn hóa các dân tộc, vào dịp Tết Nguyên đán, đồng bào Raglai cũng thường tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí. Chính vì thế, mỗi khi Tết đến xuân về, nếu đến các bản làng của người Raglai sẽ dễ dàng bắt gặp những cuộc thi trò chơi dân gian. Điều này càng làm cho bầu không khí xóm làng thêm rộn ràng, tươi vui. “Cứ mỗi dịp bản làng vào ngày vui, ngày hội, chúng tôi đều tổ chức thi các trò chơi dân gian. Một phần để tạo không khí vui tươi, lành mạnh, một phần cũng là cách để giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc. Tôi rất vui khi các trò chơi dân gian ngày càng được lớp trẻ yêu thích tập luyện và thi đấu”, già làng Cao Bân (huyện Khánh Sơn) chia sẻ.


Có thể những trò chơi dân gian đang được cộng đồng dân tộc Raglai ưa thích chưa hẳn là trò chơi truyền thống của chính họ. Trong quá trình tiếp biến, giao lưu văn hóa, người Raglai biết chọn những trò chơi của các dân tộc khác phù hợp với mình để chơi. Và điều này được diễn ra trong nhiều năm, qua nhiều thế hệ nên theo thời gian họ đã xem đây như trò chơi của chính dân tộc mình. Để góp phần giữ gìn, phát huy giá trị, nét đẹp văn hóa tinh thần của những trò chơi dân gian đó, trong những năm qua, mỗi dịp đến Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam ở các cấp đều có tổ chức thi những bộ môn này. “Chúng tôi luôn cố gắng duy trì việc tổ chức thi các trò chơi dân gian để vừa tạo không khí vui nhộn, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là cách để đưa các trò chơi dân gian đến gần hơn với mọi người”, ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết.


GIANG ĐÌNH