04:02, 11/02/2019

Tìm về với tiếng vĩ cầm

Trong tất cả các loại nhạc cụ thì vĩ cầm (violin) được xem là nhạc cụ quý tộc. Thể loại âm nhạc phương tây vừa thanh cao vừa mang nét cổ điển này đang làm say lòng người yêu nhạc tại phố biển Nha Trang.

Trong tất cả các loại nhạc cụ thì vĩ cầm (violin) được xem là nhạc cụ quý tộc. Thể loại âm nhạc phương tây vừa thanh cao vừa mang nét cổ điển này đang làm say lòng người yêu nhạc tại phố biển Nha Trang.


Thị hiếu tăng, nhu cầu nhiều


Hiện nay, khi đời sống của người dân phát triển, nhiều người bắt đầu hướng đến nhu cầu giải trí, thưởng thức âm nhạc. Và tiếng đàn violin là một trong những điểm nhấn ngọt ngào nhất. Lắng nghe giai điệu trữ tình đầy hoài cảm cùng với tiếng vĩ cầm sâu lắng trong những tiết mục độc tấu, song tấu, hòa tấu mang đến cho thính giả cảm giác êm dịu, da diết, đầy mê hoặc. Tại Nha Trang, hiện có nhiều địa điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn, resort tổ chức chương trình ca nhạc, chủ yếu vào ban đêm, phục vụ nhu cầu giải trí của người dân và du khách như: Louisiane Brewhouse, cà phê Hòn Kiến, Champa Island, Vinpearl, phòng nhạc Lê Bảo… với các tiết mục hát và biểu diễn nhạc cụ violin, guitar… Anh Trần Đình Huy (phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang) cho biết: “Cuối tuần, tôi thường cùng gia đình và bạn bè đi uống cà phê, nghe nhạc sống. Các nhạc công thường chơi dòng nhạc trữ tình, êm ái với những tiết mục độc tấu violin, guitar đầy ấn tượng, đi vào lòng người...”.

 

Một buổi học violin tại Trường Đại học Khánh Hòa.

Một buổi học violin tại Trường Đại học Khánh Hòa.


Tiếng vĩ cầm du dương, êm ái thích hợp trình diễn độc tấu hoặc song tấu trong những sự kiện, lễ tiệc trọng đại, có nhiều quan khách. Âm nhạc đám cưới sôi động, náo nhiệt đang có xu hướng chuyển sang thể loại nhạc êm dịu, nhẹ nhàng, nhất là trong các lễ cưới lãng mạn trên bãi biển, tại các resort. Theo phong cách sang trọng và thanh lịch, gia chủ thường thuê ban nhạc, thường là violin và guitar chơi nhạc không lời trong lúc đón khách và đãi tiệc.


Tuy nhiên, hiện nay, tại Nha Trang, so với các loại nhạc cụ khác thì số lượng nhạc công violin khá khiêm tốn, chỉ khoảng 7 - 8 người, gồm nhạc công chuyên và không chuyên, có người vừa giảng dạy vừa tham gia các sô diễn. “Nhạc công violin hiện nay chạy sô nhiều, đặc biệt là những dịp cao điểm như: Noel, các ngày lễ, Tết, cuối tuần… Chúng tôi cũng thường liên lạc, giới thiệu chia sẻ công việc cho nhau, nhất là những lúc kẹt sô… Trước đây, ngoài việc đi diễn, tôi tranh thủ dạy kèm để kiếm thêm thu nhập, nhưng bây giờ thì tôi có lịch diễn đều đặn cả tuần nên cũng đủ đảm bảo cuộc sống”, nhạc công violin Nguyễn Thị Mỹ Linh chia sẻ.


Được biết, tiền cát-sê cho nhạc công violin thuộc dạng cao so với các nhạc công chơi nhạc cụ khác, tùy vào sự kiện, địa điểm, thời gian, nhận sô trực tiếp hay gián tiếp… Cụ thể, mức giá từ 400.000 - 600.000 đồng/đám cưới đến 1 - 5 triệu đồng/gala sự kiện. Lý giải về điều này, nhạc công Mỹ Linh cho biết, do số lượng nhạc công violin khá ít so với các nhạc cụ khác. Để học và thành thạo đàn violin hơi khó, ngoài đam mê cần phải có sự kiên trì, bền bỉ luyện tập.


Giảm đào tạo


Thạc sĩ Hà Thị Diệp Anh - Tổ trưởng Tổ Âm nhạc - Múa, Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Khánh Hòa cho biết: Các chương trình biểu diễn nhạc cụ phương tây nói chung và violin nói riêng hiện nay tại Nha Trang phát triển khá mạnh, nhưng chủ yếu mang tính chất giải trí, thị trường, chưa có chương trình biểu diễn học thuật, hòa tấu dàn nhạc. Các nhạc công violin cũng chỉ hoạt động riêng lẻ hoặc theo nhóm một cách ngẫu nhiên chứ không thành lập ban nhạc. Trường Đại học Khánh Hòa hiện có 3 giảng viên chuyên ngành violin. Mấy năm nay, trường dừng tuyển sinh bậc sơ, trung cấp chuyên ngành âm nhạc, trong đó có nhạc cụ violin. Do đó, số lượng học sinh âm nhạc ngày càng giảm. Hiện nay, chỉ còn 5 lớp thuộc các khóa trước đang theo học nhạc cụ phương tây (violin, guitar, trumpet, piano…), truyền thống (đàn bầu, sáo...). Trong đó, có 17 em học violin, gồm 12 em học chuyên ngành và 5 em chọn violin là nhạc cụ phụ. Ngoài những lớp này, trường còn có trung tâm biểu diễn, tổ chức các khóa nhạc cụ ngắn hạn, không chuyên.


Cũng theo cô Diệp Anh, đa số học sinh chọn đăng ký học organ, piano, đàn bầu, sáo… mà không chọn học violin vì nhiều lý do. Đàn violin được xếp vào hàng “quý tộc” vì độ khó so với các nhạc cụ phổ biến khác, đòi hỏi ở người chơi năng khiếu, kỹ năng tốt từ việc thẩm âm, cách sử dụng nhạc cụ cho đến việc diễn đạt tình cảm cho bản nhạc. Khi xét tuyển, nhận thấy học sinh không đủ năng khiếu, năng lực, tổ tư vấn bộ môn đề xuất học sinh chọn nhạc cụ khác phù hợp với năng khiếu hơn để đảm bảo việc đào tạo có hiệu quả. “Vừa qua, để tiếp tục, bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực âm nhạc chuyên nghiệp cho tỉnh, Tổ âm nhạc - Múa có gửi đề xuất phương án tuyển sinh lại các lớp chuyên ngành âm nhạc (4 năm) và đang chờ nhà trường xem xét quyết định” - cô Diệp Anh cho biết thêm.


Như Thảo