05:02, 16/02/2019

Ký ức miền biên cương oai hùng qua âm nhạc

Cả nước đang kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc oai hùng (17-2-1979 - 17-2-2019), từ trong sâu thẳm những âm thanh hùng tráng mà trữ tình dào dạt ùa về. Đó chính là dòng nhạc về miền biên ải thiêng liêng.

Cả nước đang kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc oai hùng (17-2-1979 - 17-2-2019), từ trong sâu thẳm những âm thanh hùng tráng mà trữ tình dào dạt ùa về. Đó chính là dòng nhạc về miền biên ải thiêng liêng.


Lịch sử âm nhạc Việt Nam luôn có những bước ngoặt kỳ lạ, sau khi miền Nam giải phóng với vô vàn khúc tráng ca ngất trời, say mê chiến thắng với niềm hy vọng lớn về hòa bình để xây dựng đất nước thì biên giới Tổ quốc lại lâm nguy. Bắt đầu từ biên giới Tây Nam đánh bè lũ Pol Pốt cuối năm 1978 tới năm 1979 và đặc biệt là đầu năm 1979 “Tiếng súng đã vang trên chiều dài biên giới” (Phạm Tuyên) chống 60 vạn quân xâm lược. Ngay trong ngày tiếng súng quân thù bất ngờ nổ trên biên giới, từ Hà Nội, cụ thể là Phòng Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, các nhạc sĩ: Phạm Tuyên, Trần Chung, Thuận Yến, Hồ Bắc… đã ngay lập tức ra tác phẩm thu phát ngay trên sóng quốc gia để cùng với lời hiệu triệu của Trung ương Đảng, Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể dân tộc đứng lên bảo vệ Tổ quốc thân yêu: “Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa đang gọi tiếp bản hùng ca Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương”. Và khi những anh hùng liệt sĩ đầu tiên hy sinh trên miền biên giới như: Lê Đình Chinh, Lê Thị Hồng Gấm cũng được các nhạc sĩ viết ngay để ghi ơn cũng là niềm tự hào của dân tộc sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.


Rồi như dòng cảm xúc tự nhiên xuất hiện rất nhiều ca khúc theo chủ đề biên cương Tổ quốc: Chiều biên giới (Trần Chung - Lò Ngân Sủn), Hoa hồng trên điểm tựa (Hồ Bắc), Mùa xuân biên cương (Phan Lạc Hoa), Hoa sim biên giới (Minh Quang), Ngày mai anh lên đường (Thanh Trúc), Tình ca mùa xuân (Trần Hoàn), Cánh hoa lưu ly (Diệp Minh Tuyền), Tình ca tuổi trẻ (Tôn Thất Lập), Em ở nông trường - em ra biên giới (Trịnh Công Sơn), Những đôi mắt mang hình viên đạn (Trần Tiến )… được người dân, chiến sĩ lắng nghe, thấm sâu cảm xúc để chiến đấu, lao động xây dựng đất nước.


Cũng từ đây dòng nhạc “biên giới” tạo tiền đề cho những ca khúc mang tầm thời đại về biển cả đại dương, Tổ quốc như: Nơi đảo xa (Thế Song), Chút thơ tình người lính biển (Hoàng Hiệp - Trần Đăng Khoa), Hãy yên lòng mẹ ơi (Thế Hiển), Thời hoa đỏ, hát về mẹ Việt Nam anh hùng (An Thuyên), Đất nước (Phạm Minh Tuấn), Mùa xuân gọi, Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến )…


Có thể nói rằng lớp nhạc sĩ thời kỳ trưởng thành sau cách mạng tháng Tám trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ tiếp tới chiến tranh biên giới đã cống hiến cho dân tộc một gia tài âm nhạc vô cùng to lớn, giá trị.  


Thời gian trôi qua, chúng ta trở lại quá khứ qua những tấm ảnh, bài báo thì âm thanh của những bản nhạc thực sự là nhân chứng lịch sử. Với các bản nhạc chủ đề biên giới đem lại những cảm xúc dâng trào niềm tự hào về sự hy sinh to lớn của lớp cha anh đem máu đào bảo vệ Tổ quốc. Không gì hơn lớp trẻ hôm nay cất vang bài hát oai hùng, bi tráng một thời để thay lời tri ân chân thành.


Dương Trang Hương