09:01, 25/01/2019

Đưa văn hóa đọc trở lại cộng đồng

Với nỗ lực đưa văn hóa đọc trở lại đời sống người dân, qua 5 năm triển khai, các hoạt động hưởng ứng ngày Sách Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã bước đầu mang lại những hiệu ứng tích cực.

Với nỗ lực đưa văn hóa đọc trở lại đời sống người dân, qua 5 năm triển khai, các hoạt động hưởng ứng ngày Sách Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã bước đầu mang lại những hiệu ứng tích cực.


Những cách làm hay


Từ năm học 2017 - 2018, Trường THCS Trần Quang Khải (Diên Khánh) thực hiện mô hình “Góc thư viện xanh” trong khuôn viên nhà trường. Mỗi giờ ra chơi, học sinh thoải mái đến đây đọc truyện, sách, báo, tạp chí. “Đến nay, hoạt động của “Góc thư viện xanh” đã đi vào nề nếp, học sinh đã có ý thức khi đọc sách ở đây”, bà Trần Thị Lan Anh - nhân viên thư viện Trường THCS Trần Quang Khải chia sẻ.

 

Để xây dựng phong trào đọc sách trong nhà trường, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phát động “Ngày hội đọc sách” theo chủ đề tại các trường học với nhiều hình thức khác nhau. Những hoạt động như: hội chợ sách, thi tìm hiểu về sách, thi kể chuyện, đóng kịch theo sách, thi hùng biện giới thiệu sách hay, thi vẽ tranh theo sách, tổ chức giới thiệu sách theo chủ đề, tổ chức các mô hình thư viện trường học thân thiện... thực sự đã đưa sách đến gần hơn với học sinh. Ngoài Trường THCS Trần Quang Khải (Diên Khánh), một số trường khác cũng có những cách làm hay như: Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp (Khánh Sơn) với phong trào “Mỗi tuần một cuốn sách hay”; Trường Tiểu học Khánh Đông (Khánh Vĩnh) với phong trào “Xây dựng tủ sách phụ huynh”…


Các đơn vị cấp tỉnh cũng tổ chức những hoạt động hưởng ứng ngày Sách Việt Nam như: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội… với việc trao tặng sách, nói chuyện chuyên đề về sách. Sở Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; tổ chức các câu lạc bộ về sách. Báo Khánh Hòa với chương trình “Tủ sách lớp em” được thực hiện từ năm 2015 đã mang  lại hiệu ứng tích cực. Bằng nguồn kinh phí đóng góp của cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, cùng sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, chương trình đã tặng được 44 tủ sách, với hàng nghìn đầu sách cho học sinh 5 trường ở huyện Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. “Việc xây dựng tủ sách cho các trường, đưa sách về tận lớp học nhằm giúp các em tiếp cận sách một cách dễ dàng hơn. Ngoài việc giúp các em học tập, giải trí thì tủ sách cũng sẽ góp phần hình thành thói quen đọc sách cho học sinh ngay từ cấp tiểu học”, ông Lê Hoàng Triều - Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa cho biết.


Theo ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, qua 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngày Sách Việt Nam, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những cách làm mang ý nghĩa thiết thực để hun đúc, thúc đẩy văn hóa đọc. Ngày Sách Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo chính quyền các cấp.

 

Học sinh Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju (huyện Cam Lâm) đọc sách từ Tủ sách lớp em do Báo Khánh Hòa tặng.

Học sinh Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju (huyện Cam Lâm) đọc sách từ Tủ sách lớp em do Báo Khánh Hòa tặng.

 

Để việc đọc sách trở thành thói quen


Các hoạt động hưởng ứng ngày Sách Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức, dần hình thành thói quen đọc sách trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn trong quá trình triển khai. Trước hết, các hoạt động hưởng ứng ngày Sách Việt Nam được tổ chức quy mô còn nhỏ, mang tính hình thức. Phong trào đọc sách không đồng đều, nhất là tại vùng sâu, vùng xa và miền núi còn hạn chế. Hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh phát triển mạnh, nhưng chất lượng còn hạn chế, nguồn sách chưa đáp ứng yêu cầu trưng bày, triển lãm sách, luân chuyển sách giữa các trạm cơ sở. Nguồn tài liệu sách, báo bổ sung cho thư viện các cấp hàng năm không nhiều, không phong phú về thể loại; cơ sở vật chất của một số thư viện chưa được quan tâm đầu tư. “Các hoạt động của ngày Sách Việt Nam mà đơn vị chúng tôi tổ chức chủ yếu tập trung vào giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, một số trường hầu như chỉ tập trung vào công tác chuyên môn, chưa quan tâm nhiều đến các hoạt động liên quan đến thư viện”, bà Phan Thị Kim Hạnh - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết.


Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện ngày Sách Việt Nam trên địa bàn tỉnh, nhiều đại biểu cũng cho rằng việc tuyên truyền về vấn đề này vẫn chưa thật sự nổi bật. Ở một số địa phương, trường học chưa có những mô hình, cách làm hay về phát triển văn hóa đọc, nên trong công tác tuyên truyền còn thiếu các điển hình để có thể nhân rộng, phổ biến.


Theo ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc thực hiện các hoạt động hưởng ứng ngày Sách Việt Nam là điều cần thiết để tác động, thay đổi hành vi trong cộng đồng. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần xem lại, khắc phục những khó khăn, hạn chế để tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, tích cực phát động xây dựng các mô hình, câu lạc bộ đọc sách trong cộng đồng dân cư để từ đó nhân rộng. Đặc biệt, quan tâm đến việc xây dựng các mô hình trong trường học ở tất cả các cấp để tạo thói quen đọc sách từ nhỏ. Đoàn thanh niên cần phát huy vai trò của mình trong vấn đề này để tổ chức các hoạt động thiết thực. Đồng thời chú trọng đến việc kêu gọi xã hội hóa nguồn sách, cũng như việc tổ chức các hoạt động liên quan đến ngày Sách Việt Nam.


Giang Đình