01:12, 06/12/2018

67 nghệ sỹ tranh tài cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc

Cuộc thi tài năng diễn viên xiếc toàn quốc năm 2018 đã chính thức khai mạc tối 4/12 tại Hà Nội. Cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức từ ngày 4-10/12 tại Hà Nội.
 

Cuộc thi tài năng diễn viên xiếc toàn quốc năm 2018 đã chính thức khai mạc tối 4/12 tại Hà Nội. Cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức từ ngày 4-10/12 tại Hà Nội.
 
Năm nay, cuộc thi thu hút 67 nghệ sỹ (chưa kể các diễn viên phụ) đến từ 6 đơn vị tham gia tranh tài. Trong đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam (9 tiết mục, 31 diễn viên); Nhà hát Phương Nam – Thành phố Hồ Chí Minh (6 tiết mục, 19 diễn viên); Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam (4 tiết mục, 10 diễn viên); Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội (3 tiết mục, 4 diễn viên); Trung tâm Văn hóa Long An (1 tiết mục, 2 diễn viên); Đoàn Nghệ thuật Hồ Tây- Hải Dương (1 tiết mục, 1 diễn viên).

 

Chương trình nghệ thuật xiếc đặc sắc chào mừng lễ khai mạc cuộc thi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Chương trình nghệ thuật xiếc đặc sắc chào mừng lễ khai mạc cuộc thi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
 
Mỗi diễn viên dự thi biểu diễn một tiết mục tự chọn phù hợp với sở trường, thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật xiếc trong 7-12 phút. 
 
Tiết mục tham dự cuộc thi phải hoàn chỉnh, có chất lượng nghệ thuật, đạt được sự chính xác cao những động tác phức tạp về kỹ thuật, kỹ xảo của thể loại nghệ thuật xiếc. 
 
Tiết mục cũng phải thể hiện kỹ thuật, nghệ thuật và phong cách biểu diễn mang tính chuyên nghiệp, thẩm mỹ, gây được ấn tượng sâu sắc và cảm xúc tốt đẹp cho người xem. 
Các tiết mục dự thi phải đạt được sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật trình diễn xiếc với các yếu tố nghệ thuật khác như xử lý tiết tấu âm nhạc, vũ đạo, trang phục, đạo cụ, mỹ thuật, sân khấu, âm thanh, ánh sáng… 
 
Ban tổ chức khuyến khích các tiết mục mới dàn dựng mang tính thử nghiệm, có sự sáng tạo độc đáo về nội dung và mới lạ về hình thức. 
Trong khuôn khổ cuộc thi còn diễn ra nhiều hoạt động khác, trong đó có tọa đàm “Nghệ thuật xiếc Việt Nam trong xu thế hội nhập” vào ngày 8/12.

 

Tiết mục dự thi “Tình yêu trên đôi giầy trượt” của Lê Hương và Phan Như Hiếu đến từ Nhà hát Phương Nam – TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Tiết mục dự thi “Tình yêu trên đôi giầy trượt” của Lê Hương và Phan Như Hiếu đến từ Nhà hát Phương Nam – TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
 
Đây là cơ hội để lãnh đạo các đơn vị xiếc, nhà chuyên môn, nghệ sỹ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương hướng phát triển nghệ thuật xiếc trong xu thế hội nhập của đất nước nói chung và ngành xiếc nói riêng.
 
Cuộc thi tài năng diễn viên xiếc năm 2018 dành cho các nghệ sỹ xiếc đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật xiếc công lập, ngoài công lập (là đơn vị có tư cách pháp nhân, có thời gian hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật xiếc liên tục từ 12 tháng trở lên tính từ thời điểm tham gia cuộc thi); sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật xiếc trên toàn quốc. 
 
Nghệ thuật xiếc Việt Nam xuất hiện muộn hơn những nước khác. Vào đầu thế kỷ 19, sau khi nhóm tạp kỹ Trung Quốc, gánh xiếc Nhật Bản, đoàn xiếc Bostock của Anh, đoàn xiếc Rodeo của Mexico, đoàn Carnavale de Manila của Philipines, đoàn xiếc của Ấn Độ… đến Việt Nam đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng thời kỳ đó về trò xiếc mới lạ, hấp dẫn và mạo hiểm. 
 
Khi đó, ở Việt Nam bắt đầu hình thành một số gánh xiếc, trong đó có những gánh xiếc nổi tiếng như xiếc Việt Nam của Tạ Duy Hiển, xiếc Đại Việt của Mai Thanh Các…

 

Ban tổ chức tặng hoa chúc mừng các đoàn có diễn viên về tham dự cuộc thi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Ban tổ chức tặng hoa chúc mừng các đoàn có diễn viên về tham dự cuộc thi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
 
Tháng 12/1922, gánh xiếc Việt Nam của Tạ Duy Hiển đã công diễn tại chợ Hàng Da, mở đầu cho trào lưu xiếc bản địa quy mô lớn, mở ra một thời kỳ mới của xiếc Việt Nam. Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Hiển được ghi nhận là người có công sáng lập ngành xiếc Việt Nam hiện đại.
 
Trải qua gần 100 năm, xiếc Việt Nam hiện đại đã được công chúng đón nhận, yêu mến. Các đoàn xiếc, nghệ sỹ, diễn viên đã khẳng định tài năng, tên tuổi bằng các danh hiệu, giải thưởng qua các liên hoan xiếc quốc tế tại Việt Nam năm 1997, 2004, 2006, 2012 và các liên hoan xiếc tại Pháp, Italy, Monaco, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc… 
 
Điều này khẳng định vị thế của xiếc Việt Nam trên sân khấu xiếc thế giới, cũng như tài năng của các nghệ sỹ xiếc Việt…
 
Theo vietnamplus.vn