10:11, 06/11/2018

Ngôi trường trong ký ức

Đó là ngôi trường trung học đầu tiên dành cho nữ sinh ở Nha Trang. Ngôi trường chỉ là dãy nhà thấp lợp tôn (nguyên là kho lương thực) nằm ở góc đường Nguyễn Thiện Thuật lại là ước mơ của những phụ huynh có con gái sắp học hết bậc tiểu học.

Đó là ngôi trường trung học đầu tiên dành cho nữ sinh ở Nha Trang. Ngôi trường chỉ là dãy nhà thấp lợp tôn (nguyên là kho lương thực) nằm ở góc đường Nguyễn Thiện Thuật lại là ước mơ của những phụ huynh có con gái sắp học hết bậc tiểu học. Muốn vào trường phải trải qua một kỳ thi tuyển gay go. Khi đã được gắn lên áo cái huy hiệu nhỏ bằng vải thêu mấy chữ “Nữ trung học Nha Trang” là các cô gái nhỏ ngày ấy đã thấy tự hào.

 

Ảnh: Internet.

Ảnh: Internet.


Khi tôi vào học ở Nữ trung học Nha Trang thì trường đã có 4 lớp đệ thất: 3 lớp học Anh văn và 1 lớp học Pháp văn. Sau mấy năm thành lập, trường xây thêm cơ sở chính thức nằm ở góc đường Đinh Tiên Hoàng - Lê Thánh Tôn. Các lớp nhỏ được học cố định ở trường mới, các lớp lớn thì lưu động cả bên trường cũ. Thuở đó thời khóa biểu được xếp giờ rất linh động nên các lớp học không học theo phòng cố định, vì vậy từ lớp đệ thất cho đến khi ra khỏi trường chúng tôi được học ở hầu hết các dãy phòng của nhà trường.


Trường mới được xây trên một khu đất trống, không có bóng cây, dãy lầu quét vôi trắng khang trang nằm trên cát toàn cát. Nhà trường bắt đầu cho trồng dương liễu và giao cho mỗi lớp săn sóc mỗi cây, những gốc cây dương liễu gầy tong teo lại có sức sống thật kỳ diệu, chúng lớn lên khi nào không thấy. Đến năm lớp 12, khi ở vào tuổi mộng mơ, có lúc mấy đứa con gái ngồi chống tay lên cằm nhìn vu vơ qua mấy ô cửa gương đã thấy những ngọn dương che khuất tháp chuông màu trắng bên kia đường.


Người hiệu trưởng đầu tiên và lâu năm nhất của trường là cô Bùi Ngoạn Lạc. Đó là một phụ nữ Huế, dáng người thanh mảnh, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng rất nghiêm khắc. Những người phụ nữ trên dưới 50 tuổi ngày nay có lẽ vẫn dành cho bà những tình cảm trân trọng nhất khi nhớ về những ngày là học trò trường nữ. Hồi ấy, ngoài những môn chính khóa, chúng tôi còn học vẽ, học nữ công, dưỡng nhi, gia chánh. Dù mỗi tuần chỉ có một tiết nhưng đến năm lớp 9, học trò trường nữ có thể may thêu rành rẽ, tự may áo quần để mặc, kể cả áo dài. Chút nghề tay trái ấy đã là phương tiện để nhiều người sinh sống trong thời bao cấp sau này.


Có những kỷ niệm mà rất nhiều người bây giờ vẫn còn nhớ về ngôi trường con gái ấy. Năm 70, trường tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập, một buổi sinh hoạt trại được tổ chức ngay trong sân trường. Tin ấy làm cho thị xã rộn rã hơn khi thấy học trò trường nữ trên phố đông vui hơn. Ai cũng cười vì học trò trường nữ đi cắm trại mà vẫn mặc áo dài, người ta dừng lại ở cổng trường nhìn vào tò mò. Tối đó, nhà trường phải tuyên bố bãi bỏ đêm diễn đã chuẩn bị từ trước vì từ lúc chạng vạng người ta đã chen kín bốn bức tường của trường. Để rồi đến nửa đêm, thầy trò kêu nhau dậy bắt đầu hóa trang lại và đêm văn nghệ diễn ra đến gần sáng.


Hơn mười năm trời, ngôi trường mới không có gì thay đổi ngoài dãy nhà chơi được cất nối hai dãy trường học để có nơi xếp hàng vào lớp những ngày trời mưa. Ngôi trường cũ vẫn tồn tại song song để những đứa học trò sắp ra trường có điều kiện chạy qua chạy lại để ghi thêm vào ngăn kỷ niệm học trò của mình những lần trốn học.


Năm 72, tôi đỗ tú tài rồi đi học ở Sài Gòn, ở xa nghe tin trường có nhiều thay đổi, cô Lạc về Ty làm thanh tra và trường nữ có hiệu trưởng mới. Cô hiệu trưởng kế nhiệm trẻ tuổi hơn và hình như cũng làm được một cuộc cách mạng. Đầu tiên là trường có cái tên mới - Trường nữ trung học Huyền Trân. Lại nghe cô hiệu trưởng mới thoáng hơn, đã cho học sinh đi cắm trại xa ở lại đêm. Các cô bé đàn em của lứa chúng tôi đã được tự do diện những chiếc áo lụa tơ tằm mà không khổ tâm phải có áo lót trong.


Những thay đổi nho nhỏ ấy lại là những dấu ấn làm cho những nữ sinh trường nữ nhớ về trường mình rất lâu. Sau ngày đất nước được giải phóng, trường giờ trở thành Trường THCS Thái Nguyên. Những buổi tan trường, học sinh với đồng phục quần xanh, áo trắng ùa ra khắp nẻo đường chỉ thấy đông vui và những đàn bướm trắng xóa ngày xưa chỉ còn là hoài niệm. Đi ngang trường cũ nhìn lên những ô cửa gương thấp thoáng sau hàng dương liễu lòng man man nỗi nhớ. Đôi lần đi họp phụ huynh cho con, ngồi sau những bàn cứ ước ao được một lần nhìn lại được tên mình khắc trên bàn ngày trước.


Cuộc sống xảy ra với biết bao thay đổi. Học trò cũ của trường tản mác khắp nơi, cũng có nhiều người thành đạt vẫn còn đang công tác tại TP. Nha Trang, cũng không ít người sống tha phương muốn trở về, gặp nhau dưới mái trường cũ. Những người phụ nữ ở tuổi U60 lâu lâu gặp nhau, hồ hởi reo: “Ê! Dân trường nữ hả?”. Tình cảm đó mơ hồ mà thật mãnh liệt.


Bây giờ, hàng ngày đi ngang đường Lê Thánh Tôn và Đinh Tiên Hoàng, bạn có nhìn thấy ngôi trường màu trắng nằm sau hàng dương xanh? Nơi ghế đá ở công viên đầy hoa, bạn hãy tưởng tượng nơi đó, hồi nào đã từng thiết tha những tà áo trắng như bướm lượn mỗi buổi tan trường. Hình ảnh đó cũng góp phần làm đẹp thành phố biết bao.


Lưu Cẩm Vân