10:09, 07/09/2018

Lỗ hổng trong đào tạo nghệ thuật truyền thống

Để có một người nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, bên cạnh yếu tố năng khiếu, niềm đam mê thì việc đào tạo có vai trò vô cùng quan trọng. Nhưng câu chuyện đào tạo  nghệ thuật truyền thống đang là lỗ hổng hiện nay.

Để có một người nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc, biểu diễn nghệ thuật truyền thống (NTTT), bên cạnh yếu tố năng khiếu, niềm đam mê thì việc đào tạo có vai trò vô cùng quan trọng. Nhưng câu chuyện đào tạo NTTT đang là lỗ hổng hiện nay.


Khó tuyển sinh


Trước đây, Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch chuyên đào tạo học viên, sinh viên (SV) các bộ môn chuyên ngành nghệ thuật. Từ khi trường sáp nhập thành Trường Đại học Khánh Hòa thì nhiệm vụ này thuộc về Khoa Nghệ thuật. Hiện tại, khoa đào tạo các chuyên ngành như: thanh nhạc, nhạc cụ, đồ họa, mỹ thuật, múa. Trong mùa tuyển sinh năm nay, kết thúc đợt 1, khoa có 43 thí sinh xác nhận nhập học ở các chuyên ngành: đồ họa, nhạc cụ, thanh nhạc; còn chuyên ngành mỹ thuật và múa chưa có thí sinh đăng ký học, và cũng không có em nào theo học NTTT.

 

Sinh viên Khoa Nghệ thuật diễn báo cáo tốt nghiệp. (Ảnh minh họa)

Sinh viên Khoa Nghệ thuật diễn báo cáo tốt nghiệp. (Ảnh minh họa)


Theo thầy Nguyễn Văn Tú - Trưởng khoa Nghệ thuật, trong mấy năm qua, lượng SV tuyển mới của khoa cũng chỉ dao động từ 30 đến 50 SV. Việc tuyển sinh vào các bộ môn NTTT sở dĩ gặp khó khăn do đây không phải là ngành “hot” thu hút SV. Mặt khác, tâm lý của phụ huynh không muốn cho con mình đi theo nghề, và một phần là chi phí theo học các bộ môn này thường cao hơn những ngành học khác.


Một lý do khác dẫn tới tình trạng khó tuyển sinh đến từ quy định về chức năng đào tạo. Theo quy định thì Trường Đại học Khánh Hòa không còn đào tạo các hệ sơ cấp, trung cấp. Trong khi đó, với các chuyên ngành nghệ thuật thì việc đào tạo từ hệ sơ cấp, trung cấp được xem là nguồn để tuyển SV, hiện nay không còn cũng đồng nghĩa việc cắt đứt một nguồn SV đầu vào cho khoa.

 
Đừng để đứt mạch


Nhiều người cho rằng NTTT là ngành học khó tìm việc làm sau này. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bạn Trần Thị Nhật Quyên - thành viên đội nhạc cụ dân tộc ở Hội quán Hòn Chồng, các sô diễn cho nhạc cụ truyền thống ở TP. Nha Trang rất nhiều. Hàng ngày, Quyên và các thành viên khác trong đội vừa biểu diễn phục vụ du khách tại Hòn Chồng, tối đến lại đi diễn ở các điểm du lịch, các khách sạn. Công việc tương đối đều, thu nhập rất tốt. Đặc biệt vào những ngày lễ, Tết thì số lượng các sô diễn cũng nhiều hơn. “Tâm lý của khách nước ngoài khi đến Nha Trang đều thích xem biểu diễn các bộ môn NTTT dân tộc. Vì thế, nhu cầu của các cơ sở du lịch, nhà hàng, khách sạn về biểu diễn NTTT rất lớn. Điều này đã được chúng tôi khảo sát về cơ hội việc làm của SV ngành NTTT”, thầy Nguyễn Văn Tú chia sẻ.


Theo NSƯT Trần Nhật Lệ - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh, việc tuyển diễn viên mới cho hai đoàn Dân ca kịch và Tuồng trong những năm qua luôn gặp khó khăn. Để chuẩn hóa đội ngũ diễn viên, Nhà nước có quy định các nghệ sĩ phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên, nhưng do việc đào tạo SV ngành NTTT gặp khó khăn nên nhà hát cũng khó tuyển được diễn viên. Việc lớp trẻ bây giờ không theo đuổi con đường NTTT thực sự rất đáng lo ngại. Nên chăng tỉnh cần có sự quan tâm hơn trong vấn đề này để chúng ta có thể làm tốt được các khâu tuyển chọn, đào tạo, sử dụng những người đi theo con đường NTTT. Có như thế mới bảo tồn và phát huy được các loại hình này.


Đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật đã rất khó, đào tạo NTTT lại càng khó hơn nhiều. Bởi dạy NTTT là một thầy kèm một trò. Kinh phí để theo học các ngành này cũng thường cao hơn so với những ngành học khác. Trong khi đó, chủ trương chung là bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, nghệ thuật của dân tộc. Vậy một cơ chế riêng cho ngành học đặc thù này nên chăng cần được xem xét, thực hiện.


GIANG ĐÌNH