10:08, 15/08/2017

Người phục hồi sách xưa

Trong giới sưu tầm sách xưa, anh Nguyễn Đức Khuynh (sinh năm 1982, ở tổ 20 Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) không chỉ được biết đến là người sở hữu nhiều đầu sách quý, mà còn là một "bác sĩ" chuyên phục hồi các loại sách xưa quý hiếm đã bị hư hỏng.

Trong giới sưu tầm sách xưa, anh Nguyễn Đức Khuynh (sinh năm 1982, ở tổ 20 Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) không chỉ được biết đến là người sở hữu nhiều đầu sách quý, mà còn là một “bác sĩ” chuyên phục hồi các loại sách xưa quý hiếm đã bị hư hỏng.


Đam mê với sách


Anh Khuynh là người Hà Nội, thuở nhỏ anh sống tại Nam Định nhưng lại yêu vùng đất và con người Nha Trang ngay từ đầu những năm 2000 khi vào phố biển học đại học. Anh gắn bó với xứ Trầm Hương từ ngày đó đến nay.  

 

Anh kể, mê đọc sách từ nhỏ nên anh rất quý sách, nhất là những đầu sách hay và hiếm được ấn bản trước năm 1975. Cũng vì mê sách nên trong quá trình sưu tầm, gặp được những quyển sách quý nhưng bị hư hỏng, long bìa, bung chỉ… anh rất tiếc. Vì vậy, anh nghĩ đến việc bảo quản, phục hồi chúng.


Nghĩ là làm, anh lân la hỏi các lão làng chơi sách để tìm về người thợ đóng sách nổi tiếng nhất Nha Trang (ông cụ nay đã qua đời) xin học nghề và tìm kiếm trên Internet về các tài liệu đóng sách, phục hồi sách cũ. Một số bạn bè ở châu Âu biết chuyện cũng gửi thêm một ít tài liệu để anh học tập.


Theo anh Khuynh, hầu như ở Việt Nam người ta thường vào các tiệm photocopy để đóng bìa khi sách bị hư hỏng hoặc các thư viện đóng bìa để bảo quản chúng. Nhưng với cách đóng bìa này vô tình làm quyển sách bị hư hại hơn do bị cắt xén, hoặc lỗ may quá rộng, xa gáy làm người đọc không thể nhìn thấy ảnh và các chữ gần gáy sách.


Để đóng bìa cho những cuốn sách đã “bị thương” là cả một quá trình, đòi hỏi sự tỉ mỉ, hiểu sách, hiểu nghề và phải có tình yêu với sách. Thông thường, khi bắt đầu phục hồi sách xưa, anh cẩn thận lật giở từng trang xem chất liệu giấy, khâu theo kiểu gì, mức độ hư hỏng… để quyết định phương án xử lý. “Mỗi quyển sách là một kết cấu riêng biệt, có sách được may theo từng tép đơn, tép đôi hay nhiều tép gộp lại. Đó là chưa kể các loại sách được in bởi các loại giấy khác nhau… Và để phục chế, đóng bìa cho một quyển sách hư hỏng nhẹ phải mất ít nhất một ngày, riêng loại hư hỏng nặng có khi phải mất vài tuần đến vài tháng mới xong”, anh cho biết.

 

Anh Nguyễn Đức Khuynh hướng dẫn nhân viên thư viện Tu viện Huệ Quang phục chế và đóng bìa cho các sách đã hư cũ

Anh Nguyễn Đức Khuynh hướng dẫn nhân viên thư viện Tu viện Huệ Quang phục chế và đóng bìa cho các sách đã hư cũ

 

Cũng là một nghệ thuật


Phải mất 2 năm thực nghiệm trên sách của mình với biết bao hư hỏng, anh mới “ngộ” ra được nhiều điều từ nghề đóng sách, mới dám chia sẻ trên diễn đàn sachxua.net. Những đầu sách hư tưởng như bỏ đi, được anh đóng lại còn đẹp hơn nhờ bìa sách được làm mới bằng da, lụa tơ tằm hoặc gấm... đã làm giới chơi sách “dậy sóng”. Số người đăng ký nhờ anh “cứu sách” cứ dài dằng dặc. Thầy giáo Vũ Văn Khánh (Thái Bình) - nhà sưu tầm sách nổi tiếng vùng Bắc Bộ sở hữu nhiều đầu sách cực hiếm về Truyện Kiều cho biết: “Cách anh Khuynh phục chế, đóng bìa cho sách rất cẩn thận nên dù cách nhau hơn ngàn cây số tôi vẫn tin tưởng gửi những quyển sách thuộc loại hiếm nhất nhì Việt Nam nhờ anh đóng giúp. Khi nhận lại sách, tôi thấy chúng vẫn nguyên bản, sang trọng và cứng cáp hơn”.

 

Một đầu sách xưa đã được anh Khuynh làm mới đầy chất nghệ thuật

Một đầu sách xưa đã được anh Khuynh làm mới đầy chất nghệ thuật


Từ năm 2009 đến nay, anh phục chế và đóng cho khoảng 1.000 đầu sách. Mỗi loại sách anh chọn chất liệu bìa, màu sắc phù hợp với nội dung và gu thẩm mỹ của người sở hữu. Với sách theo phong cách  phương Tây, anh đóng bìa da, nổi gân, khảm phù điêu, riêng sách theo phong cách phương Đông anh chọn chất liệu lụa, gấm… Rồi anh nảy ra ý tưởng táo bạo khi kết hợp kỹ thuật thêu của nghệ nhân XQ vào bìa sách. “Khi đang loay hoay tìm hướng đi riêng, tôi thấy vợ (nghệ nhân thêu XQ) tạo ra những tác phẩm thêu rất đẹp đậm chất Á Đông nên đã kết hợp với kỹ năng đóng bìa của mình. Nhờ vậy, bìa sách của tôi có sự khác biệt, nhưng hơn hết là khách hàng rất thích chúng”, anh nói.


Với việc chọn cho mình hướng đi riêng, anh đã được cộng đồng đọc sách yêu mến và tin tưởng. Mới đây, anh được thầy Tâm Hạnh - quản lý thư viện Huệ Quang (Tu viện Huệ Quang - TP. Hồ Chí Minh) mời vào hướng dẫn cho nhân viên thư viện đóng sách và phục chế. Anh bảo, việc chia sẻ kiến thức để bảo tồn, phục chế, đóng bìa cho sách quý mới là điều quan trọng. Vậy nên, ai cần anh cũng sẵn sàng hướng dẫn, gửi tài liệu và thậm chí là gặp mặt. “Các nước phương Tây coi việc đóng bìa sách là một bộ môn nghệ thuật. Khi tìm hiểu, thực hành, tôi đã cảm nhận được điều đó. Tôi sẵn sàng giúp đóng bìa cho những quyển sách quý để tác phẩm đó có thêm điều kiện trường tồn với thời gian. Sách là di sản quý và những quyển sách có giá trị về tri thức, lịch sử càng cực quý nên cần được bảo quản bằng cách này hay cách khác”, người đàn ông mê sách tâm sự.


Trung Nhân