10:11, 29/11/2013

Nguyễn Đình Thi - "Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"

Nguyễn Đình Thi là con người tài hoa vào hạng bậc nhất của nền văn học nghệ thuật nước nhà thế kỷ 20. Ông là nhà triết học, nhạc sỹ, nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch…và trên tất cả ông là văn hóa lớn. Trời hình như quá hào phóng dành cho Nguyễn Đình Thi, nhưng cũng như mọi nghệ sỹ, trong ông  vẫn có  những khoảng lặng sâu lắng như " … thềm nắng lá rơi đầy" .

Nguyễn Đình Thi là con người tài hoa vào hạng bậc nhất của nền văn học nghệ thuật nước nhà thế kỷ 20. Ông là nhà triết học, nhạc sỹ, nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch…và trên tất cả ông là văn hóa lớn. Trời hình như quá hào phóng dành cho Nguyễn Đình Thi, nhưng cũng như mọi nghệ sỹ, trong ông  vẫn có  những khoảng lặng sâu lắng như “ … thềm nắng lá rơi đầy” .

 

Nha-van-Nguyen-Dinh-Thi---anh--LDD.gif
 

 


Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận lời cuộc gặp gỡ với người viết bài tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, khi đó ông là Chủ tịch Hội. Có lẽ hơn 7 năm trước sự ồn ào của văn học đổi mới, có nhiều ý kiến trái chiều, kể cả sự thị phi nhấn vào những nhà văn trên cương vị quản lý Hội Nhà Văn Viêt Nam mà Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký hơn 2 thập kỷ làm ông buồn lòng. Khác nhiều người lên tiếng phân trần hay giãi bày, Nguyễn Đình Thi im lặng lùi về góc riêng mình viết. Rồi cũng qua nhanh, người ta đều nhận thấy rằng Nguyễn Đình Thi là “hạt vàng” không thể phủ nhận và việc ông ra gánh vác thay đàn anh Cù Huy Cận làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam được toàn thể giới nghệ sỹ nước nhà phấn khởi.

 


Tôi cũng như mọi người đều rất ngưỡng mộ hình ảnh một trang nam tử tuấn tú có chút bụi trần của Nguyễn Đình Thi thời trai trẻ khi mới lập nước. Sau này khi thấy hình ảnh Chê đội mũ nồi gắn sao những thập niên 60 thì nhiều văn nghệ sỹ đều thầm thốt: “Ngày trước ở chiến khu Việt Bắc Nguyễn Đình Thi cũng kiêu hùng như thế này rồi!”. Vì thế tiếng đồn về sự hào hoa của ông âm vang mãi. Còn bây giờ là ông cụ hơn 70 tuổi nhưng rất mẫn thiệp, nhẹ nhàng, chừng mực, khi tôi nói về chữ “hào hoa” ông lắc đầu nhẹ, khi đưa lại bản thảo ông không xóa mà chỉ gạch chân ra ý…nên thôi! Tôi nghĩ rằng có lẽ  người đàn ông danh tiếng này quá hiểu cái giá của hai chữ đó. Nhà văn Kim Lân nói rất thật: “Ai chứ ông Thi đến tôi còn mê nữa là phụ nữ. Ông ý đẹp trai nhất hội đấy!”. Ta sẽ hiểu vì sao nhà báo cánh tả, nữ du kích anh hùng nước Pháp Madeleinen Riffaud đã bị “sét đánh” giữa thành Berlin khi dự Đại hội sinh viên thanh niên thế giới năm 1951 khi gặp chàng trai 27 tuổi từ Việt Nam tới. Đó là mối tình đầy lãng mạn và nổi tiếng một thời đã được nhiều người nói tới.

 

Khi được hỏi về mấy câu thơ thần trong bài thơ Đất Nước của mình:


Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội


Những phố dài xao xác hơi may


Người ra đi đầu không ngoảnh lại


Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

 

Nhà thơ trầm ngâm một chút, ông nói dù sinh ra ở Lào nhưng thực ra tuổi thơ ông gắn liền với Hà Nội, vì dân gốc vẫn là đây. Những dòng thơ đó chính là nỗi nhớ về những vỉa hè đường Quang Trung bây giờ nơi có những hàng cây cơm nguội nhuộm vàng lá khi thu về, hơi may xao xác từ hồ Thuyền Quang thổi tới những sớm mai. Chính vì câu thơ này mà ông bạn già Nguyễn Tuân cầu kỳ cứ sớm sớm chống ba toong ra hồ Thuyền Quang cảm nhận và có lần ông Nguyễn thốt lên: “Hà Nội bây giờ hiếm còn hơi may như Thi nói rồi!” Tinh tế thật. Còn những rộm lá vàng trên vỉa hè mùa thu hay chớm đông Hà Nội thì đúng là…chỉ Hà Nội mới có, không nơi nào có màu sắc và hình ảnh lung linh thế!


   

Gói cốm lá sen làng vòng tuổi thơ mà Nguyễn Đình Thi đã mở bài thơ bằng ba câu thơ thật kỳ diệu, hấp dẫn đến lạ lùng


Sáng mát trong như sáng năm xưa


Gió thổi mùa thu hương cốm mới


Tôi nhớ những ngày thu đã xa

 

Mang tính khái quát lớn cho nội dung mà nhà thơ sẽ nói tiếp theo, hiếm có bài thơ kiểu “chính trị” mà lại lãng mạn như bài thơ Đất nước, làm cho bài thơ đã bay bổng ngay từ câu đầu tiên. Càng kỳ lạ hơn hay do phong cách cẩn trọng của nhà triết học mà bài thơ này được tác giả làm đi sửa lại tới hoàn chỉnh trong 6 năm! Từ năm 1948 tới năm 1954.

 


 Về hai bản nhạc của mình Nguyễn Đình Thi lại phấn chấn hẳn lên khi hỏi, với bản Diệt Phát Xít đó là cuộc “thách đố” với ông bạn đất Hải Phòng Văn Cao trước ngày khởi nghĩa. Văn Cao có Tiến Quân Ca, còn Nguyễn Đình Thi có Diệt  Phát Xít. Sau đó bài thành Quốc ca, bài thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam vang muôn phương. Riêng bài Người Hà Nội có rất nhiều  điều về nó, Nguyễn Đình Thi kể rằng, khi đó ông theo chiến sỹ “Liên khu 1” sau này mới đổi thành Trung đoàn Thủ đô rút về phía Hà Tây vào mùa đông năm 1946. Tới Hà Đông, ông ghé vào ngôi nhà đang chuẩn bị tản cư, trong phòng có chiếc đàn piano. Nhìn về phía Hà Nội rực lửa cháy bất giác trong tiềm thức vang lên: “Đây Hồ gươm, Hồng Hà, Hồ Tây…” những địa danh thân thuộc bao năm đang xa dần… Càng kỳ lạ hơn dù biết chút nhạc lý nhưng chưa bao giờ chơi piano nhưng ông vẫn bấm… Ký âm xong, viết lời ông lấy tên bài hát là Tiếng hát của một người Hà Nội ý là chỉ riêng cho mình, nhưng khi đưa cho Văn Cao ở khu tản cư xem, Văn Cao ôm lấy bạn nói: “Thi ơi! bài của cậu sẽ bất hủ rồi! nhưng nên sửa lại tên đi!” thế là thành tên Người Hà Nội.  Có nhiều nhạc sỹ học cao, biết rộng cho tới bây giờ vẫn không lý giải được về Người Hà Nội. Riêng Nguyễn Đình Thi sau đó mãi mãi không viết bản nhạc nào nữa vì ông nói vui: “Không đủ kiến thức để viết tiếp nữa, viết thêm người ta cười”! Sự khiêm tốn quá mức, vì hàng nghìn nhạc sỹ Việt Nam có mấy người sánh được với tác giả Diệt Phát Xít và Người Hà Nội.

 


Không đủ thời gian nói về tiểu thuyết vì thú thật không mấy người bình thường đọc trọn vẹn bộ Vỡ bờ của ông. Chúng tôi nói về kịch. So với trang văn, kể cả thơ nữa kịch của Nguyễn Đình Thi thuộc hạng kinh điển bậc thầy. Đạo diễn số 1 Việt Nam Nguyễn Đình Nghi (con trai nhà thơ Thế Lữ) khi tôi hỏi về kịch của Nguyễn Đình Thi, đạo diễn tâm đắc: “Kịch của Nguyễn Định Thi vượt trội so với các nhà biên kịch khác ở chỗ ông khai thác nhân vật quan tác phẩm văn học chứ không sự kiện lịch sử, và vì là nhà triết học nên tính khái quát rất cao như vở Con Nai Đen, Nguyễn Trãi Ở Đông Quan thì tuyệt vời…” Khi đó Nguyễn Đình Nghi cũng đã tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn quyết tâm dựng vở Rừng Trúc của Nguyễn Đình Thi và thành công vang dội. Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh khi vào vai Chiêu Hoàng trong vở Rừng Trúc thấy mê những đài từ long lanh của tác giả mặc dù thuộc rất khó vì rất dài. Ông Nghi vẫn có điều ước là đã chờ Nguyễn Đình Thi viết vở kịch về Trần Hưng Đạo trước Hội nghị Bình Than nổi tiếng…vì theo ông chỉ có ông Thi mới làm được hình tượng nhân vật vĩ đại này nhưng tiếc thay cả hai ông Nguyễn Đình đều không thỏa nguyện vì tạo hóa đã đón các đi.

 


Người ta nói Nguyễn Đình Thi làm quan quản lý văn nghệ suốt hơn 2 thập kỷ quá hiền lành, ông được quá nhiều bổng lộc nhưng nên nhớ rằng các tác phẩm của ông đều là tạo những đợt sóng tranh luận dữ dội như thơ không vần  những năm 1948, đặc biệt các vở kịch như Con Nai Đen, Nguyễn Trãi Ở Đông Quan những thập niên 80 đều bị cho là “có vấn đề”; những bài tiểu luận thẳng thắn của ông cũng làm giới phê bình xao động… để hiểu khí phách của người cầm bút đáng nể thế nào.

 


Nguyễn Đình Thi đã rời “ thềm nắng mùa thu” tròn 10 năm (ông mất ngày 18-4-2003) và chỉ ít ngày nữa kỷ niệm 89 tuổi (ông sinh ngày 20-12-1924) …Một vì sao khuê của đất Việt!

 


Bài và ảnh: Lê Đức Dương