01:07, 27/07/2018

Tháng Bảy ở Trường Sa...

Những ai từng đặt chân đến Trường Sa sẽ thấu cảm với câu thơ của nhà thơ - người lính Trần Đăng Khoa: "Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng". Vâng! Giữa thời bình nhưng vẫn có những mất mát, hy sinh. Máu ở Trường Sa vẫn chảy thấm vào lòng biển mặn!  


 

Những ai từng đặt chân đến Trường Sa sẽ thấu cảm với câu thơ của nhà thơ - người lính Trần Đăng Khoa: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng”. Vâng! Giữa thời bình nhưng vẫn có những mất mát, hy sinh. Máu ở Trường Sa vẫn chảy thấm vào lòng biển mặn!  

 

Còn nhớ hôm theo đoàn công tác của Lữ đoàn 146 đến đảo Nam Yết đầu năm 2018, cánh phóng viên đã lặng người khi nhìn 5 ngôi mộ đơn sơ ở nghĩa trang trên đảo. Tôi đã từng đi qua bao nghĩa trang theo dặm dài đất nước nhưng cảm xúc khi đứng ở nghĩa trang đơn sơ giản dị ở Trường Sa thật sự khác biệt. Những bia mộ với nét chữ giản đơn, cùng ngôi sao được tạo hình từ khóm hoa sam đỏ tươi càng làm sự xúc động thêm dâng trào. Các anh đã hy sinh ở quãng đời đẹp nhất, người nhiều tuổi nhất mới ngoài 30, người trẻ nhất mới 20 tuổi. Trong đó, 2 liệt sĩ Lại Huy Công (sinh năm 1980, quê Thái Bình) và Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1990, quê Hưng Yên) cùng hy sinh vào ngày 2-2-2012. Hỏi chuyện mới biết, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra trên biển, anh Cường bị sóng lớn đánh rơi khỏi xuồng. Anh Công đã không ngần ngại hiểm nguy lao xuống biển để cứu đồng đội. Tuy là người bơi lặn giỏi nhất trong tổ tuần tra, nhưng với sức mạnh và sự hung dữ của sóng gió đại dương, cả hai người lính đã hy sinh. Cùng thời điểm ấy, vợ anh Công ở quê nhà vừa sinh con gái, cha con mãi mãi không một lần gặp mặt!

 

Đại diện Lữ đoàn 146 dâng hương tại nghĩa trang ở đảo Nam Yết.

Đại diện Lữ đoàn 146 dâng hương tại nghĩa trang ở đảo Nam Yết.

 

Ngoài Nam Yết, hiện nay ở các đảo Trường Sa, Trường Sa Đông vẫn còn có mộ của các liệt sĩ hy sinh ở các đảo gom về. Có rất nhiều lý do dẫn đến mất mát hy sinh, khi thì chống chọi với kẻ thù lăm le cướp đảo, khi thì đau ốm, bệnh tật hiểm nghèo, khi sóng to xuồng lật... nhưng tựu trung đều vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng! Đất nước còn khó khăn nên thường phải 7 - 8 năm, hài cốt các anh mới được đưa về đất liền. Các anh đã yên nghỉ mãi mãi trong lời ru của lớp lớp sóng biển vỗ bờ, trong tình thương của đồng đội. Nhắc lại những đau thương mất mát ở Trường Sa để nhớ rằng chuyện hy sinh không phải chỉ có trong thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, mà còn có ở ngày hôm nay. Nhắc lại để thấy rằng chủ quyền biển đảo hết sức thiêng liêng, phải đánh đổi bằng xương máu của bao thế hệ. Tri ân những người ngã xuống, người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay càng phải học tập, lao động để góp phần giúp nước nhà giàu mạnh, cũng là góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước vững bền!


Với dân tộc Việt Nam, tháng Bảy là tháng tri ân những người nằm xuống cho đất nước bình yên! Tháng Bảy này ở Trường Sa, hoa lại được thả xuống biển để tưởng nhớ 64 người lính ngã xuống ở vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao năm 1988 và biết bao người lính khác đã nằm xuống trong cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tháng Bảy này ở Trường Sa, những người lính đảo lại ngắt những bông hoa tươi thắm nhất đặt lên mộ các đồng đội đã hy sinh. Tháng Bảy này ở Trường Sa, những người con đất Việt vẫn hiên ngang bồng súng đứng gác, canh giữ chủ quyền cho đất mẹ Việt Nam! Dù có gian khổ, mất mát hy sinh, người Việt vẫn một lòng bền gan giữ đảo!


THÀNH NGUYỄN