10:08, 07/08/2020

Bỏ thì dễ, xây mới khó

Những ngày qua, câu chuyện Câu lạc bộ Thanh Hóa đệ đơn đòi bỏ V.League, sau đó lại rút đơn khiến dư luận một phen ồn ã. Từ sự việc trên, chắc chắn các nhà quản lý, tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VFF, VPF) sẽ không thể tiếp tục ngồi yên. Dự kiến tuần sau, số phận V.League sẽ được đưa ra thảo luận để chọn ra phương án phù hợp nhất.

Những ngày qua, câu chuyện Câu lạc bộ (CLB) Thanh Hóa đệ đơn đòi bỏ V.League, sau đó lại rút đơn khiến dư luận một phen ồn ã. Từ sự việc trên, chắc chắn các nhà quản lý, tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VFF, VPF) sẽ không thể tiếp tục ngồi yên. Dự kiến tuần sau, số phận V.League sẽ được đưa ra thảo luận để chọn ra phương án phù hợp nhất.


Lần thứ 2, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung, V.League nói riêng buộc phải tạm hoãn vì dịch Covid-19. Nếu như ở lần tạm hoãn hồi tháng 3, lãnh đạo các đội dự giải còn giữ được bình tĩnh, đưa ra những đề xuất cho các nhà tổ chức, quản lý giải đấu lựa chọn phương án đưa V.League trở lại thì lần này tình hình có vẻ căng hơn nhiều. Theo tìm hiểu, hiện đã có 5 đội bóng ở V.League gồm: Sông Lam Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Nam Định và Hải Phòng mong muốn giải đấu kết thúc càng sớm càng tốt với đề xuất trao luôn chức vô địch cho đội bóng đang dẫn đầu bảng xếp hạng sau 11 vòng đấu và không có đội xuống hạng, thăng hạng cho 2 đội đang dẫn đầu giải hạng Nhất để mùa giải năm sau thi đấu với 16 đội. Riêng CLB Thanh Hóa, ông bầu Nguyễn Văn Đệ như muốn cho cả làng bóng đá Việt Nam thấy được quyết tâm của mình không muốn chơi tiếp nữa nên đã đệ đơn lên VPF, VFF đòi bỏ giải. Hành động này của bầu Đệ  khiến cho giới bóng đá có 2 luồng ý kiến trái chiều, ủng hộ và chỉ trích. Nhưng rồi chỉ 1 ngày sau câu chuyện lá đơn bỏ giải của CLB Thanh Hóa được báo giới thông tin thì cũng chính bầu Đệ xác nhận với truyền thông rằng, CLB Thanh Hóa sẽ tiếp tục góp mặt ở phần còn lại của giải đấu.

 

Các đội bóng chuyên nghiệp thi đấu trước đợt tạm hoãn lần 2.

Các đội bóng chuyên nghiệp thi đấu trước đợt tạm hoãn lần 2.


Hành động đệ đơn xin rút giải, rồi sau đó rút đơn xin ở lại của lãnh đạo đội Thanh Hóa cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong cách hành xử của đội bóng đang chơi ở giải chuyên nghiệp. Bởi nếu đội bóng nào cũng như Thanh Hóa, đứng trước khó khăn chung về tài chính do ảnh hưởng của dịch bệnh đùng đùng đòi bỏ giải thì liệu sau này có nhà tài trợ nào dám bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để tổ chức giải, đầu tư cho CLB. Đó là chưa kể vị thế bóng đá Việt Nam rồi sẽ đi về đâu trên đấu trường khu vực, quốc tế. Có câu “Xây mới khó, đạp đổ thì dễ”, việc V.League hay các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải kéo dài tạm hoãn hay thậm chí buộc dừng sớm vì dịch bệnh thì cũng là bất khả kháng. Khi ấy, chắc chắn những nhà quản lý, tổ chức giải sẽ đưa ra phương án “chốt” mà theo đó quyền lợi của các đội bóng sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo không đội nào phải chịu thiệt thòi.


Trao đổi với báo chí, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc VPF thông tin, đầu tuần sau, VPF sẽ có cuộc họp trực tuyến với các đội bóng nhằm có phương án để đưa các giải bóng đá chuyên nghiệp trở lại. Như vậy, từ thông tin trên có thể thấy rằng, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng phương án tổ chức thi đấu thế nào còn phải chờ sự thống nhất giữa những người trong cuộc và quan trọng hơn là được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cho phép.


An Nhiên