10:02, 14/02/2020

Thể thao trọng điểm, đầu tư từ đâu?

Năm qua, thể thao tỉnh Khánh Hòa nói chung, thể thao thành tích cao nói riêng đã gặt hái được không ít thành công tại các đấu trường trong nước, SEA Games. Tuy vậy, việc nhận diện các môn thể thao trọng điểm để có sự tập trung đầu tư, phát triển lại là điều không dễ trong điều kiện nguồn lực, cơ sở hạ tầng thể thao tỉnh còn thiếu.

Năm qua, thể thao tỉnh Khánh Hòa nói chung, thể thao thành tích cao nói riêng đã gặt hái được không ít thành công tại các đấu trường trong nước, SEA Games. Tuy vậy, việc nhận diện các môn thể thao trọng điểm để có sự tập trung đầu tư, phát triển lại là điều không dễ trong điều kiện nguồn lực, cơ sở hạ tầng thể thao tỉnh còn thiếu.


Theo Sở Văn hóa và Thể thao, thể thao thành tích cao của tỉnh hiện đang đào tạo 511 vận động viên (VĐV) của 13 bộ môn, trong đó có một số môn trọng điểm, mũi nhọn như: điền kinh, bóng chuyền, võ thuật. Năm qua, sở đã cử các đội tuyển thể thao tỉnh tham gia 84 giải thể thao cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế với thành tích đạt được là 351 huy chương (103 huy chương vàng, 105 huy chương bạc và 143 huy chương đồng); 49 VĐV đạt cấp kiện tướng, 82 VĐV đạt cấp 1. Đặc biệt, đại diện cho phong trào thể dục thể thao tỉnh tham dự SEA Games 30 có 17 huấn luyện viên (HLV), VĐV các môn: bóng chuyền trong nhà, bóng chuyền bãi biển, điền kinh, bóng bàn xuất sắc được gọi tập trung vào đội tuyển quốc gia. Qua đó, các HLV, VĐV thể thao Khánh Hòa đóng góp thành tích 4 huy chương vàng tại SEA Games, được lãnh đạo tỉnh ghi nhận và biểu dương. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, là nguồn động lực để ngành Thể thao tỉnh và các HLV, VĐV tiếp tục phấn đấu đạt được những thành tích tốt hơn trong những năm tới.

 

Thi đấu điền kinh bây giờ chỉ còn thấy trong các hội thi Hội khỏe Phù Đổng.

Thi đấu điền kinh bây giờ chỉ còn thấy trong các hội thi Hội khỏe Phù Đổng.


Theo một lãnh đạo ngành Thể thao tỉnh, từ những kết quả đạt được ở kỳ SEA Games 30 và Đại hội Thể thao toàn quốc 2018, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngành đang tiến hành rà soát lại các môn để có sự đầu tư trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải như trước đây mà hiệu quả mang lại ít. Các môn thể thao được định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025 chủ yếu tập trung ở các môn Olympic, trong đó ưu tiên các môn đã đạt được thành tích tại các giải thể thao lớn trong nước, quốc tế. Tuy vậy, ngoại trừ điền kinh, bóng bàn và bóng chuyền đang là những môn thể thao thế mạnh của tỉnh thì việc nhận diện các môn trọng điểm không phải là chuyện dễ trong điều kiện nguồn lực, cơ sở hạ tầng thể thao tỉnh còn yếu.


Nói vậy là bởi, ngay như môn điền kinh từ trước tới nay luôn được coi là môn thể thao thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh, song sau kỳ SEA Games 2001, 2003 đến trước kỳ SEA Games 30 luôn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, đào tạo nguồn VĐV, dẫn đến thành tích tụt dốc. Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho sự sa sút đó nhưng cơ bản vẫn là câu chuyện thiếu nguồn phong trào, chế độ chính sách và cơ sở hạ tầng tập luyện không đảm bảo. Cụ thể, điền kinh Khánh Hòa không có sân chơi phong trào, các trường học trên địa bàn tỉnh nếu có cho các em tập luyện thì cũng chỉ vỏn vẹn vài tháng để phục vụ cho hoạt động tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, thành phố, tỉnh của ngành Giáo dục. Đối với ngành Thể thao thì hiện không có giải điền kinh mà chủ yếu là giải việt dã, bởi một lý do đơn giản là không có người tham gia, với lại các điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu tập luyện thi đấu môn này ở tỉnh đều xuống cấp và không đảm bảo (như đường pitch ở sân Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh, sân vận động 19-8 Nha Trang). Bóng bàn và bóng chuyền cũng được coi là những môn thể thao thế mạnh của tỉnh, thế nhưng về mặt phong trào và các điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhu cầu tập luyện, thi đấu các môn này cũng đang thiếu.


Việc xác định các môn thể thao trọng điểm để chú trọng đầu tư phát triển đòi hỏi phải mang tính đồng bộ và nó phải đến từ các yếu tố như: nền tảng thành tích các môn đạt được tại các giải trong nước, quốc tế trước đó; sự phát triển phong trào các môn này ở tuyến cơ sở và điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu… Đó không còn là câu chuyện riêng của ngành Thể thao mà cần có sự chung tay của các ngành, địa phương, doanh nghiệp hay thậm chí cả cộng đồng. Bởi có như vậy, các môn thể thao được chọn là môn mũi nhọn, trọng điểm được đầu tư ấy mới có cơ sở, nền tảng để phát triển bền vững chứ không phải là sự đầu tư ngắn hạn để rồi không đạt hiệu quả xong làm lại.


P.H