10:11, 13/11/2019

Nâng cao kỹ năng cho nhân viên các cơ sở dịch vụ bơi, lặn

Sở Văn hóa và Thể thao vừa tổ chức đợt tập huấn kỹ năng bơi, lặn cho nhân viên cứu hộ của các hộ, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao môn bơi, lặn (gọi chung là cơ sở) trên địa bàn tỉnh. Ông Đặng Quốc Văn - Trưởng phòng Quản lý Thể dục - Thể thao của sở cho biết:

Sở Văn hóa và Thể thao vừa tổ chức đợt tập huấn kỹ năng bơi, lặn cho nhân viên cứu hộ của các hộ, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao môn bơi, lặn (gọi chung là cơ sở) trên địa bàn tỉnh. Ông Đặng Quốc Văn - Trưởng phòng Quản lý Thể dục - Thể thao của sở cho biết:

 


- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số lượng cơ sở dịch vụ bơi, lặn chủ yếu tập trung tại các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng… nhằm phục vụ khách du lịch. Các mô hình kinh doanh dịch vụ bơi, lặn do tư nhân đầu tư xuất hiện gần đây là tín hiệu tích cực trong quá trình xã hội hóa để phát triển thể thao phong trào, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong công tác quản lý, kiểm tra điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh bơi, lặn. Nghị định 36 ngày 29-4-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao chỉ quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với doanh nghiệp. Nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh, phần lớn người kinh doanh hoạt động môn bơi, lặn (trừ cơ sở lưu trú) đều là hộ cá thể nên công tác kiểm tra, hướng dẫn và quản lý còn nhiều bất cập và hạn chế. Qua công tác quản lý, hiện nay, các cơ sở chỉ chú trọng vào việc kinh doanh dịch vụ dạy bơi, bán vé vào bơi mà chưa chú trọng đúng mức về các điều kiện quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn cho nhân viên chuyên môn bơi, lặn, ví dụ như: Nhân viên cứu hộ phải được tập huấn, số lượng nhân viên phải đảm bảo 1 người/200m2 bể, có trang bị đầy đủ biển báo, phao cứu sinh, sào cứu hộ, túi sơ cấp cứu…


- Xin ông cho biết về công tác quản lý nhà nước của Sở Văn hóa và Thể thao đối với các cơ sở kinh doanh này?


- Về mảng thể thao nói chung và môn bơi, lặn nói riêng, hàng năm, sở tổ chức tập huấn cho đội ngũ quản lý thể dục, thể thao các cấp. Riêng hộ kinh doanh và doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao, từ năm 2015 đến nay, sở đã chủ động mở các lớp tập huấn kiến thức nghiệp vụ bơi cứu hộ môn bơi, lặn cho khoảng 400 người. Theo quy định, sở có thẩm quyền thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao cho các doanh nghiệp. Đối với các hộ kinh doanh cá thể, sở có hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cơ sở vì hộ kinh doanh không thuộc đối tượng để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.


- Xin ông cho biết mục đích tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước tại các cơ sở lần này?


- Ngoài việc cấp chứng chỉ cho các học viên như một điều kiện hành nghề cho các hộ kinh doanh, hoạt động môn thể thao này, việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước tại các cơ sở còn nhằm tạo nguồn lực thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh giai đoạn 2017 - 2020; tạo điều kiện cho các cơ sở đảm bảo an toàn trong quá trình phục vụ người sử dụng các dịch vụ bơi, lặn. Ngoài ra, điều này còn góp phần giảm thiểu tại nạn đuối nước nói chung và tai nạn đuối nước trẻ em nói riêng trên địa bàn tỉnh.


- Xin cảm ơn ông!


An Nhiên (Thực hiện)