10:02, 18/02/2019

Bệnh thành tích và việc đào tạo lứa cầu thủ kế cận

Đội tuyển U22 Việt Nam đã có một khởi đầu thuận lợi tại giải U22 Đông Nam Á 2019 được tổ chức tại Campuchia, sau khi thắng đội tuyển U22 Philippines với tỷ số 2-1. Tuy nhiên, những người theo dõi trận đấu này không có nhiều sự vui mừng, mà ngược lại xuất hiện sự lo lắng về những lứa cầu thủ trẻ kế cận.

Đội tuyển U22 Việt Nam đã có một khởi đầu thuận lợi tại giải U22 Đông Nam Á 2019 được tổ chức tại Campuchia, sau khi thắng đội tuyển U22 Philippines với tỷ số 2-1. Tuy nhiên, những người theo dõi trận đấu này không có nhiều sự vui mừng, mà ngược lại xuất hiện sự lo lắng về những lứa cầu thủ trẻ kế cận.


Vì sao một trận thắng lại tạo nên những sự lo lắng? Đó là bởi các cầu thủ đội tuyển U22 Philippines hầu hết đều là sinh viên, có thể xem là một đội tuyển nghiệp dư, ngoài lợi thế nhỉnh hơn về mặt hình thể thì trình độ kỹ thuật cá nhân lẫn kinh nghiệm thi đấu đều kém hơn các cầu thủ đội tuyển Việt Nam khá nhiều. Bởi vậy, đội tuyển U22 Việt Nam không quá khó để kiểm soát thế trận trước đội tuyển U22 Philippines, dồn ép đối thủ về phía sân nhà. Nhưng trước một đối thủ yếu như vậy, đội tuyển U22 Việt Nam lại thể hiện một gương mặt khá tệ, với các phương án tấn công đơn điệu, khả năng dứt điểm kém, thậm chí còn để đối thủ dẫn bàn trước. Tuy cuối cùng đội tuyển U22 Việt Nam vẫn vượt qua được đội tuyển U22 Philippines, nhưng rõ ràng đó không phải là một chiến thắng khiến người hâm mộ hài lòng.

 

Không nên vắt kiệt sức lực của những cầu thủ trẻ như Quang Hải, Văn Hậu  để chạy theo căn bệnh thành tích.

Không nên vắt kiệt sức lực của những cầu thủ trẻ như Quang Hải, Văn Hậu để chạy theo căn bệnh thành tích.


Điều khiến cho người hâm mộ càng thấy lo lắng hơn đó chính là đội hình này trong tương lai sẽ phải là lực lượng chính tham gia các giải đấu lớn ở khu vực Đông Nam Á, chẳng hạn như SEA Games 2019. Có thể xem như đây là đội hình gom hầu hết các tài năng trẻ, được xem là lực lượng kế cận cho các cầu thủ đội tuyển quốc gia đã lên ngôi vương tại AFF Cup 2018 và lọt vào đến vòng 1/8 của Asian Cup 2019. Đó là những nhân tố nổi bật trong đội hình U19 Việt Nam tham dự vòng chung kết U19 châu Á 2018 như: Y Êli Niê, Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Văn Xuân, Trần Bảo Toàn, Nhâm Mạnh Dũng… kết hợp với những gương mặt từng tham gia vòng chung kết World Cup U20 2017 như: Phan Thanh Hậu, Lương Hoàng Nam, Đinh Thanh Bình… Đó có thể xem là những gương mặt ưu tú nhất trong lực lượng kế cận cho một “thế hệ vàng” đã quá tuổi dự Sea Games.


Không khó để thấy, giữa các cầu thủ U22 Việt Nam hiện tại và các cầu thủ đội tuyển Việt Nam lên ngôi tại AFF Cup 2018 đang có một sự chênh lệch về mặt trình độ khá lớn. Từ tốc độ, kỹ thuật cá nhân, thể lực cho đến tư duy bóng đá, những gì các cầu thủ đội tuyển U22 Việt Nam thể hiện trước đội tuyển U22 Philippines thực sự là đáng báo động. Rất rõ ràng là chúng ta không thể để những cái tên như: Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu, Văn Đức, Xuân Trường, Quế Ngọc Hải… cày bừa hết tất cả các trận đấu, từ những giải đấu ở khu vực Đông Nam Á, cho đến những giải đấu tầm cỡ châu lục, thậm chí là thế giới. Vừa phải phục vụ câu lạc bộ, vừa phải phục vụ đội tuyển quốc gia, với cường độ thi đấu cao như vậy, thể lực cầu thủ không thể nào đáp ứng nổi. Nên ở bất cứ nền bóng đá nào, lực lượng kế cận luôn là một vấn đề hết sức quan trọng.


Có lẽ như đã thấy được sự chênh lệch này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn muốn tập trung khá nhiều cầu thủ ngôi sao của đội tuyển Việt Nam vẫn còn trong độ tuổi có thể tham dự Sea Game cho kế hoạch SEA Games 2019. Đó là những cái tên như: Văn Hậu, Đình Trọng, Quang Hải, Đức Chinh… được xem sẽ là bộ khung cho đội tuyển U22 Việt Nam góp mặt tại SEA Games 2019. Nhưng việc đưa những cầu thủ đã là trụ cột của đội tuyển quốc gia thi đấu cho đội hình U22 không chỉ là một cách làm khá… trái ngược, mà còn là hình thức vắt kiệt thể lực của họ, ngăn cản không gian phát triển của thế hệ kế cận. Đó cũng là một biểu hiện khá rõ căn bệnh thành tích của bóng đá Việt Nam.


Thay vì tìm cách phát triển thế hệ kế cận, tìm cách đầu tư vào bóng đá trẻ để xuất hiện nhiều lứa cầu thủ xuất sắc hơn, thì có vẻ như VFF lại đang tìm cách khai thác triệt để “thế hệ vàng” mới của bóng đá Việt Nam. Căn bệnh thành tích vốn đã kìm hãm sự phát triển của bóng đá Việt Nam một thời gian dài, tưởng chừng như đã vượt qua thì có vẻ như đang có xu hướng tái phát. Những gì mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam mong chờ từ VFF không phải chỉ là một chiếc huy chương vàng SEA Games, mà là một chiến lược bóng đá dài hơi, có tương lai hơn.


Trần Khánh