02:11, 17/11/2020

Chuyện quỹ lương tại La Liga: Barcelona và Real Madrid ai tỉnh táo hơn?

Chuyện câu lạc bộ Barcelona tại La Liga đang nằm trong tình trạng "báo động đỏ" có nguy cơ dẫn đến phá sản vì quỹ lương, đang cho thấy mặt trái của việc dùng lương một cách bất chấp để lôi kéo cầu thủ. Ở trên mặt này, có vẻ như kình địch Real Madrid đã có phần tỉnh táo hơn.

Chuyện câu lạc bộ Barcelona tại La Liga đang nằm trong tình trạng “báo động đỏ” có nguy cơ dẫn đến phá sản vì quỹ lương, đang cho thấy mặt trái của việc dùng lương một cách bất chấp để lôi kéo cầu thủ. Ở trên mặt này, có vẻ như kình địch Real Madrid đã có phần tỉnh táo hơn.

 

Nói đến La Liga (giải vô địch bóng đá Tây Ban Nha) là người ta sẽ nói đến 2 ông lớn Real Madrid và Barcelona là chính, bởi lẽ về mặt thành tích lẫn doanh thu, 2 câu lạc bộ này vượt rất xa so với những câu lạc bộ còn lại như Atletico Madrid. Cụ thể là về mặt giá trị câu lạc bộ cùng doanh thu, Real Madrid được định giá khoảng 3,2 tỷ usd, doanh thu khoảng 750 triệu usd; Barcelona được định giá khoảng 3,1 tỷ usd, doanh thu khoảng 660 triệu usd, thuộc nhóm những câu lạc bộ giàu có nhất thế giới. Trong khi đó, Atletico Madrid với định giá khoảng hơn 1 tỷ usd, doanh thu khoảng hơn 300 triệu usd, xếp thứ 3 La Liga về mặt giàu có nhưng rõ ràng thua Real Madrid và Barcelona rất xa.


Chính vì vậy việc Real Madrid và Barcelona thống trị La Liga trong một khoảng thời gian rất dài là chuyện hết sức bình thường. Bất quá, lớn thuyền thì lớn sóng, để duy trì sự giàu có họ phải duy trì thành tích, mà để duy trì được thành tích thì việc đưa về những ngôi sao hàng đầu thế giới cùng giữ chân được họ cũng là một vấn đề bắt buộc. Chính vì vậy mà quỹ lương của 2 câu lạc bộ này cũng khổng lồ không kém doanh thu của họ. Trong đó Barcelona đang có quỹ lương lớn nhất thế giới với hơn 12 triệu usd\năm cho mỗi cầu thủ, kế ngay đó là Real Madrid xếp thứ 2 với hơn 11 triệu usd\năm cho mỗi cầu thủ. Đứng đầu trong số những cầu thủ lãnh lương cao nhất phải kể đến Lionel Messi với khoảng 1.5 triệu usd\tuần, Eden Hazard cùng Gareth Bale đều tiêu tốn của Real Madrid trên 500.000 usd\tuần, Frenkie de Jong và Antoine Griezmann tiêu tốn của Barcelona trên 450.000 usd\tuần… Chính vì vậy mà quỹ lương của Real Madrid và Barcelona chính là nguồn chi chiếm phần lớn doanh thu của 2 câu lạc bộ này.

 

Lionel Messi và Antoine Griezmann, 2 cầu thủ đang chiếm phần rất lớn trong quỹ lương của Barcelona.
Lionel Messi và Antoine Griezmann, 2 cầu thủ đang chiếm phần rất lớn trong quỹ lương của Barcelona.

 

Nếu như trong điều kiện bình thường doanh thu ổn định, đảm bảo được nguồn thu từ các danh hiệu, thì quỹ lương như vậy là có thể chấp nhận được với Real Madrid và Barcelona. Nhưng đối với Barcelona mà nói, những mùa giải gần đây họ không đoạt được chức vô địch  Champions League nào, thậm chí là mùa giải gần đây họ còn “họa vô đơn chí” khi vừa không vô địch được La Liga vừa gặp phải những thiệt hại về kinh tế rất lớn do đại dịch Covid-19 gây ra. Mà một khi câu lạc bộ gặp khó khăn về mặt tài chính, quỹ lương lên tới 70% doanh thu của câu lạc bộ sẽ là một gánh nặng khó lòng kham nổi, có thể kéo câu lạc bộ đến bờ vực của phá sản. Do đó việc mà thượng tầng Barcelona đang làm chính là cơ cấu lại quỹ lương, thuyết phục các cầu thủ giảm lương, mà đặc biệt là những cầu thủ nhận lương khủng như Lionel Messi. Bất quá, khả năng chính vì vậy mà không thể giữ chân một số trụ cột là rất cao.


Trong khi đó, có vẻ như Chủ tịch Florentino Perez đã có phần tỉnh táo hơn, giúp Real Madrid dù cũng có một quỹ lương rất lớn, nhưng không bị động đến mức nước tới chân mới nhảy, vẫn giúp câu lạc bộ xoay xở tốt trong điều kiện gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế. Lợi thế lớn nhất mà câu lạc bộ Hoàng gia Tây Ban Nha có được về mặt tài chính, đến từ việc câu lạc bộ này nhiều lần vô địch  Champions League trong những năm gần đây, nơi mà họ có thể kiếm được từ 50-60 triệu usd tiền thưởng mỗi mùa, cộng thêm tiền bản quyền truyền hình thì số tiền thu về có thể lên tới trên 100 triệu usd mỗi mùa. Việc Real Madrid vô địch La Liga 2019-2020 cũng là một sự may mắn giúp câu lạc bộ này có thêm nguồn tiền vượt qua những khó khăn về kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra.


Ngoài ra, những cách làm mang đậm tính kinh tế của Chủ tịch Florentino Perez như mua cầu thủ luôn tính toán đến lợi ích kinh tế đi theo như bán áo đầu, mở rộng thị trường…; không để lợi ích cầu thủ cao hơn lợi ích của câu lạc bộ; sớm tái cơ cấu quỹ lương khi thấy tình huống kinh tế không ổn… đã giúp cho Real Madrid không lâm vào tình trạng bị động về tài chính. Khác với Barcelona luôn quá phụ thuộc vào Lionel Messi, thì tại Real Madrid, Florentino Perez vẫn không để tình trạng đó xảy ra. Những Iker Casillas, Cristiano Ronaldo… vẫn phải ra đi nếu như những đòi hỏi vượt quá giới hạn, những trụ cột đã quá 30 tuổi như Karim Benzema, Luka Modric, Sergio Ramos… nếu không chấp nhận giảm lương thì hoan toàn có thể ra đi khi hết hợp đồng. Thậm chí việc tái cơ cấu quỹ lương đã xảy ra từ khá sớm khi những cầu thủ hưởng lương cao mà đóng góp không tương xứng như Gareth Bale, James Rodriguez… đã được tìm cách đẩy đi, lấy chỗ cho những cái tên trẻ trung không thiếu tài năng nhưng có mức lương thấp hơn nhiều như Vinicius Junior, Federico Valverde, Alvaro Odriozola… Như vậy, có thể nói Real Madrid đã tỏ ra tỉnh táo hơn trên vấn đề tài chính kinh tế, và có lẽ Barcelona sẽ phải học hỏi theo để tránh những kết quả xấu nhất diễn ra trong tương lai.

Cao Duy