09:10, 27/10/2020

Barcelona suy tàn hay Barcelona không Messi?

Ít ai sẽ nghĩ tới Barcelona sẽ thua đậm 1-3 trước Real Madrid trong trận El Clasico đầu tiên của mùa giải, dù cho câu lạc bộ này đã có khá nhiều xáo trộn, bởi lẽ Real Madrid cũng có những sự khởi đầu không quá hoàn hảo. Đó có thể là những dấu hiệu suy tàn của một đế chế, nhưng cũng có thể là sự chuẩn bị cho một cuộc sống không Messi.

Ít ai sẽ nghĩ tới Barcelona sẽ thua đậm 1-3 trước Real Madrid trong trận El Clasico đầu tiên của mùa giải, dù cho câu lạc bộ này đã có khá nhiều xáo trộn, bởi lẽ Real Madrid cũng có những sự khởi đầu không quá hoàn hảo. Đó có thể là những dấu hiệu suy tàn của một đế chế, nhưng cũng có thể là sự chuẩn bị cho một cuộc sống không Messi.

 

Barcelona đang chuẩn bị cho cuộc sống không Lionel Messi.
Barcelona đang chuẩn bị cho cuộc sống không Lionel Messi.


Đó là trận El Clasico thua mà có lẽ những người hâm mộ Barcelona cảm thấy không cam tâm, bởi câu lạc bộ mà họ yêu mến đã có một trận đấu không tồi trước đối thủ Real Madrid. Xét trên phương diện thông số trận đấu, thì Barcelona có thời lượng kiểm soát bóng nhỉnh hơn (52% so với 48% của Real Madrid), có số đường chuyền nhiều hơn (595 so với 537 của Real Madrid), có số pha tấn công nhiều hơn (112 pha tấn công 61 pha tấn công nguy hiểm so với 89 pha tấn công 51 pha tấn công nguy hiểm của Real Madrid), có số pha đá phạt nhiều hơn (14 so với 10)… Thế trận thực tế trên sân cũng là ngang bằng, khi cả 2 câu lạc bộ đều ăn miếng trả miếng nhau khá là sòng phẳng, cho đến khi họ phải chịu quả phạt 11m có phần oan uổng từ pha ngã khá đẹp của Sergio Ramos. Còn bàn thua thứ 3 ở những phút cuối cùng chỉ là một sự tất yếu khi tấn công tất tay mà không thành công.


Nhưng nếu nhìn nhận lại một chút, thì có lẽ việc Barcelona thất bại trước Real Madrid vẫn có thể lý giải được, mà vấn đề đầu tiên dễ nhận ra đó là Zinedine Zidane có đội hình sử dụng thuận tay hơn nhiều so với Ronald Koeman. Không khó để thấy Zidane vẫn đang sử dụng một bộ khung cũ kỹ trong mùa giải mới 2020-2021, với những cựu binh quen thuộc như Sergio Ramos, Toni Kroos, Luka Modric, Karim Benzema… Dù những cựu binh này đã có tuổi, có thể không thể duy trì phong độ ổn định trong cả mùa giải, nhưng ở những trận đấu cần tới bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu, thì rõ ràng Zidane vẫn có thể trao niềm tin vào họ. Nhưng còn Ronald Koeman thì sao? Một huấn luyện viên mới như Koeman hiển nhiên không thể lập tức có trong tay một đội hình hợp ý, nên Barcelona đã ra sân với một đội hình “pha tạp” giữa những cựu binh như Gerard Pique, Sergio Busquets, Lionel Messi… cùng những cầu thủ trẻ như Anssumane Fati, Pedri, Sergino Dest, Francisco Trincao… Một đội hình như vậy sự ăn ý còn là vấn đề, chứ đừng nói đến sự thuận tay cùng tin tưởng, nên Barcelona thua trận cũng không phải là điều gì quá ngạc nhiên.


Nhưng tại sao huấn luyện viên Ronald Koeman lại mạnh dạn sử dụng những cầu thủ trẻ trong một trận cầu quan trọng, thậm chí bất kể cả vai trò của cầu thủ quan trọng nhất của câu lạc bộ là Lionel Messi đã trở nên… không quan trọng nữa khi mà Messi đóng góp khá ít vào lối chơi chung, mờ nhạt tới mức không có bao nhiêu đường bóng đáng chú ý, không bàn thắng, không kiến tạo… điều rất ít thấy từ cầu thủ này. Có lẽ mọi việc có thể giải thích bằng việc Ronald Koeman đang chuẩn bị cho cuộc sống không Lionel Messi, chuẩn bị nhân sự cho một đội hình thực sự thuận tay trong tương lai, bằng cách nâng tầm các cầu thủ trẻ, dần dần đưa về những cái tên mà ông tin tưởng.


Có một thực tế là Lionel Messi năm nay đã 33 tuổi, đã thể hiện ý nguyện muốn ra đi trong kỳ chuyển nhượng Hè 2020 vừa qua, đồng thời cũng chỉ còn năm cuối cùng trong hợp đồng. Ở độ tuổi đó, số năm mà Lionel Messi có thể thi đấu đỉnh cao đã là không nhiều, việc Barcelona buộc phải chuẩn bị cho một cuộc sống không Messi là điều hiển nhiên, bởi lẽ cầu thủ có thể dừng lại nhưng câu lạc bộ vẫn phải tiếp tục đi tới. Do đó giảm bớt tầm ảnh hưởng của Lionel Messi, trao trách nhiệm tái thiết vào tay Ronald Koeman dù cho phải chấp nhận thêm một mùa giải trắng tay cũng là việc hoàn toàn bình thường.


Chính vì vậy mà Ronald Koeman có thể chấp nhận phiêu lưu trong trận El Clasico để gieo những “hạt mầm” cho Barcelona trong tương lai. Những Ansu Fati, Pedri, Francisco Trincao, Frenkie de Jong… mới là những cái tên có thể đi cùng Barcelona trong thời gian dài, những Antoine Griezmann, Philippe Coutinho, Clement Lenglet… mới là những cái tên chấp nhận toàn tâm toàn ý cùng Ronald Koeman, chứ không phải là những công thần như Lionel Messi, Gerard Pique, Sergio Busquets… với tầm ảnh hưởng thậm chí còn lấn lướt cả huấn luyện viên trưởng. Với cá tính của Koeman, cũng như bài học từ những huấn luyện viên tiền nhiệm, vị huấn luyện viên này buộc phải chơi một canh bạc “được ăn cả ngã về không”, biến Barcelona thành một phiên bản khác của đội tuyển Hà Lan với một quá trình tái thiết đòi hỏi kỷ luật và quyền lực tuyệt đối. Nếu thành công, ngày mà Barcelona trở lại xưng bá trời Âu sẽ là không xa.

Cao Duy