10:07, 17/07/2021

Thế giới vượt mốc 190 triệu ca Covid-19, nhiều quốc gia mạnh dạn tiêm kết hợp các loại vaccine

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới do biến thể Delta, hàng loạt nước đang đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đáng chú ý, một số quốc gia như Canada, Thái Lan đang có kế hoạch tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau.

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới do biến thể Delta, hàng loạt nước đang đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đáng chú ý, một số quốc gia như Canada, Thái Lan đang có kế hoạch tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau.
 
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 19 giờ ngày 17/7 (theo giờ Việt Nam), số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 190 triệu ca, trong đó gần 4,1 triệu ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm gần 563 nghìn ca mắc mới và 8.653 ca tử vong. 
 
Dịch Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Indonesia, Nga và Brazil, đồng thời lây lan trên diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới. Sau khi nhiều quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.
 

 

Một số loại vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Shutterstock
Một số loại vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Shutterstock
 
Các cơ quan y tế Mỹ lên tiếng cảnh báo về tình trạng người dân còn đang ngần ngại đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong vì virus SARS-CoV-2 gia tăng trong thời gian gần đây.
 
Điều phối viên về Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho biết số ca gia tăng đột biến trên chủ yếu tập trung ở các cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp và "những ca nhập viện và tử vong do Covid-19 trong thời gian gần đây chủ yếu là những người Mỹ không được tiêm chủng”.
 
Liên quan tới việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, giới chức y tế một số nước như Canada, Thái Lan và một số nước châu Âu đang mạnh dạn tiến hành tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa Covid-19 khác nhau, mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra lời cảnh báo cho rằng sự kết hợp đó có thể không an toàn và là “một xu hướng nguy hiểm”.
 
Trước đó, nhà virus học hàng đầu của Thái Lan, Giáo sư Yong Poovorawan, Giám đốc Trung tâm virus lâm sàng của đại học Chulalongkorn hôm 14/7 khẳng định Thái Lan sẽ tiến hành kế hoạch kết hợp liều đầu tiên của vaccine Sinovac (Trung Quốc) với liều thứ hai là vaccine Oxford-AstraZeneca.
 
Ông Yong Poovorawan cho biết, nếu tiêm hỗn hợp hai vaccine AstraZeneca và Sinovac thì sẽ có khả năng bảo vệ gần như hai liều AstraZeneca và dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy, việc tiêm hỗn hợp làm sản sinh miễn dịch nhanh hơn vì mũi tiêm thứ hai được thực hiện gần hơn.
 
Theo Giáo sư Yong, sử dụng một liều vaccine bất hoạt như Sinovac sau đó là vaccine vector như AstraZeneca đã tạo ra khả năng sinh miễn dịch mạnh mẽ ở 1.200 tình nguyện viên. Không có tác dụng phụ nào quá nghiêm trọng nào được ghi nhận ở những người đã được tiêm kết hợp vaccine.
 
Theo đó, Ủy ban Các bệnh truyền nhiễm của Thái Lan thông báo nước này sẽ sử dụng liều thứ hai là vaccine AstraZeneca đối với những người đã được tiêm mũi đầu tiên của Sinovac. Các mũi sẽ được tiêm cách nhau từ 3 tới 4 tuần để tăng khả năng tạo kháng thể chống lại biến thể Delta. Chính sách mới của Thái Lan sẽ được áp dụng cho các nhân viên y tế sau khi nước này ghi nhận 618 người mắc bệnh dù đã được tiêm hai liều vaccine Sinovac.
 
Trong khi đó, các quan chức y tế công cộng Canada cũng bảo vệ kế hoạch cung cấp mũi thứ hai là vaccine công nghệ mRNA cho những người đã nhận được mũi đầu tiên là vaccine AstraZeneca (công nghệ vector).
 
Người đứng đầu Cơ quan Y tế tỉnh Ontario cũng lưu ý rằng các chương trình tiêm nhắc lại của tỉnh “dựa trên các nghiên cứu từ Anh, Tây Ban Nha và Đức cho thấy việc trộn vaccine là an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.”
 
Một số quốc gia, trong đó có một số nước châu Âu cũng khuyến cáo những người đã tiêm vaccine AstraZeneca (công nghệ vector) mũi đầu tiên sau đó tiêm mũi hai với vaccine công nghệ mRNA, như của Pfizer hoặc Moderna.
 
Các nhà nghiên cứu ở Anh, Nga và Mỹ đều đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng phác đồ tiêm vaccine hỗn hợp. Tháng 6 vừa qua, Viện Y tế quốc gia Mỹ cho biết họ đang bắt đầu một cuộc thử nghiệm, trong đó những người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ sẽ được tiêm một liều tăng cường, với các loại vaccine Covid-19 khác nhau.
 
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, Anthony S.Fauci khi công bố nghiên cứu này cho biết: “Chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng cần tiêm nhắc lại để chống lại khả năng miễn dịch suy giảm và bắt kịp với một loại virus đang biến đổi”.
 
Theo Báo Nhân Dân điện tử