08:02, 16/02/2021

Indonesia trừng phạt người từ chối tiêm chủng vaccine Covid-19

Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị ba biện pháp trừng phạt đối với những người từ chối tiêm vaccine Covid-19 trong bối cảnh chương trình tiêm chủng quốc gia đã bước vào giai đoạn 2. 

Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị ba biện pháp trừng phạt đối với những người từ chối tiêm vaccine Covid-19 trong bối cảnh chương trình tiêm chủng quốc gia đã bước vào giai đoạn 2. 
 
Indonesia mới đây ra quy định của Tổng thống số 14 năm 2021 liên quan đến mua sắm vaccine và thực hiện tiêm chủng. Theo đó, đối tượng chỉ định tiêm vaccine Covid-19 không tham gia tiêm chủng sẽ bị phạt hành chính dưới các hình thức: đình chỉ hoặc chấm dứt chế độ an sinh, trợ cấp xã hội và các dịch vụ quản lý của chính phủ. Ngoài ra các đối tượng từ chối còn có thể bị phạt tiền. Đây sẽ là cơ sở cho chính quyền địa phương đưa ra các quy định cho từng khu vực về tiêm chủng vaccine Covid-19.
 
 
Tổng thống Indonesia thị sát trung tâm tiêm chủng tại Senayan. Ảnh: Tempo.
Tổng thống Indonesia thị sát trung tâm tiêm chủng tại Senayan. Ảnh: Tempo.
Hiện nay, thủ đô Jakarta đã áp dụng biện pháp phạt tiền 5 triệu Rupiah cho các trường hợp từ chối tiêm chủng. Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết, mặc dù có các biện pháp trừng phạt song chính phủ Indonesia vẫn sẽ ưu tiên phương pháp tiếp cận giáo dục cho công chúng về tầm quan trọng của việc tiêm chủng vaccine Covid-19. Các hình phạt chỉ được thực hiện như biện pháp phòng ngừa để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng hoàn thành đúng thời hạn.
 
Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181 triệu người cho đến tháng 4/2022 chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu đã hoàn thành với việc tiêm chủng cho 1,4 triệu nhân viên y tế. Trong giai đoạn hai, Indonesia sẽ tiêm chủng cho hơn 38,5 triệu người cao tuổi và những người lao động công ích.
 
Chính phủ Indonesia đã đặt mua 426 triệu liều vaccine Covid-19 từ các công ty quốc tế khác nhau để đảm bảo nguồn cung vaccine. Song đến thời điểm hiện tại, Indonesia mới chỉ nhận được hơn 30 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc.
 
Trong khi đó ở nước láng giềng của Indonesia, Bộ Y tế Timor Leste phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới để phát triển chương trình tiêm chủng quốc gia vaccine Covid-19 ở nước này.
 
Ông Mathur, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Dili cho biết, tổ chức này bắt đầu cung cấp khóa đào tạo cho bác sĩ trong 12 thành phố của Timor Leste về các vấn đề liên quan đến tiêm chủng vaccine Covid-19 như lợi ích tiêm chủng, huy động và xây dựng đội ngũ tiêm chủng ở các tỉnh thành. Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới cũng tập huấn cho các chuyên gia truyền thông Timor Leste để phổ biến thông tin về tiêm chủng. Tổ chức này cũng khuyến nghị Timor Leste dùng vaccine AstraZeneca do có nhiều ưu điểm hơn hai loại vaccine khác là Pfizer và Moderna, nhưng quyết định sẽ phụ thuộc vào Hội đồng Bộ trưởng Timor Leste.
 
Tính đến thời điểm hiện tại, Timor Leste ghi nhận 102 ca mắc Covid-19, trong đó có 62 trường hợp đã hồi phục và không có báo cáo tử vong./.
 
Theo VOV