08:05, 05/05/2020

Nhiều nước nới lỏng giãn cách xã hội

Reuters và TTXVN đưa tin, từ ngày 4-5, một số nước châu Âu bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Tại Italy, lĩnh vực sản xuất, xây dựng và phân phối được phép hoạt động trở lại. Ở một số vùng của Tây Ban Nha, các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn mở cửa ở mức hạn chế. 

Reuters và TTXVN đưa tin, từ ngày 4-5, một số nước châu Âu bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Tại Italy, lĩnh vực sản xuất, xây dựng và phân phối được phép hoạt động trở lại. Ở một số vùng của Tây Ban Nha, các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn mở cửa ở mức hạn chế. Các cửa hàng thực phẩm lớn, tiệm làm tóc và các cơ sở thể thao ngoài trời ở Áo mở cửa từ cuối tuần qua. Tại Ðức, các địa điểm tôn giáo, khu vui chơi cũng bắt đầu đón khách. Trước đó, Ðan Mạch và Na Uy là những nước châu Âu đầu tiên nới lỏng các hạn chế xã hội. Ðan Mạch là nước đầu tiên cho học sinh trở lại trường từ ngày 15-4.
 
 

 

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Ảnh TÂN HOA XÃ
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Ảnh TÂN HOA XÃ
 
★ Tổng thống Serbia A.Vucic thông báo, các điều kiện an toàn đã được đáp ứng, Quốc hội có thể thông qua quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, dự kiến từ ngày 6-5. Tỷ lệ lây nhiễm ở Serbia đã giảm đáng kể, dưới mức 5%.
 
★ Thủ tướng Séc A.Babis cho biết, chính phủ chưa quyết định việc gia hạn tình trạng khẩn cấp, thay vào đó lựa chọn phương án trao thêm quyền cho Bộ Y tế. Séc cũng có thể mở lại cửa khẩu biên giới với Ðức, Áo, Ba Lan và Slovakia từ tháng 7 tới.
 
★ Chính phủ Pháp cho biết, sẽ không tiến hành cách ly những người đến từ các nước Liên hiệp châu Âu (EU), khu vực Sen-ghen hay Anh, trong bối cảnh Pháp chuẩn bị bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế sau hai tháng phong tỏa. Ðối với những trường hợp là công dân Pháp và EU đến từ các khu vực khác, có quy định riêng và sẽ sớm được thông báo.
 
★ Không quân Romania cử một máy bay chở 90.000 khẩu trang đến Madrid để hỗ trợ Tây Ban Nha chống dịch. Romania là thành viên EU đầu tiên tình nguyện mua và xây dựng kho dự trữ thiết bị y tế chung của khối. Nước này đã thực hiện hơn 10 chuyến bay vận chuyển thiết bị y tế, mua từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
 
★ Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố Istanbul thực hiện phong tỏa từ ngày 3-5, trong khuôn khổ các biện pháp của chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan tuyên bố tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm trong các ngày cuối tuần, tại 31 tỉnh đến cuối tháng 5 này.
 
★ Giới chức Nga cho biết, các biện pháp hạn chế có thể được gỡ bỏ sớm nhất vào ngày 12-5, nếu tình hình lây nhiễm giảm. Bộ trưởng Y tế Nga M.Murashko thông báo, Nga vẫn duy trì một phần các biện pháp hạn chế cho đến khi có vắc-xin; đồng thời cảnh báo nguy cơ xảy ra đợt bùng phát dịch thứ hai.
 
★ Ngày 3-5, ngày thứ 30 liên tiếp, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc không ghi nhận thêm ca nhiễm nào. Tuy nhiên, trên cả nước vẫn ghi nhận thêm ba ca nhiễm mới và tất cả các ca đều là từ nước ngoài về.
 
★ Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nhấn mạnh, cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa kết thúc, dù chính phủ quyết định nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc thông báo, từ ngày 6-5 sẽ chuyển sang chương trình "kiểm dịch trong cuộc sống hằng ngày", theo đó cùng các hoạt động kinh tế và xã hội, người dân thực hiện các biện pháp kiểm dịch.
 
★ Chính phủ Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp trên cả nước tới ngày 31-5, trong bối cảnh có quan ngại hệ thống y tế nước này sẽ quá tải nếu số ca nhiễm mới vẫn tăng. Chính phủ Nhật Bản thông báo với Quốc hội về quyết định trên sau cuộc họp với nhóm cố vấn sáng 4-5.
 
★ Chính phủ Singapore cho phép các doanh nghiệp từng bước nối lại hoạt động từ ngày 12-5, song vẫn duy trì lệnh phong tỏa một phần đến ngày 1-6 tới. Thái Lan bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại và tập trung đông người, theo đó cho phép các nhà hàng, tiệm làm tóc, chợ ngoài trời hoạt động, tuy nhiên vẫn thực hiện giãn cách xã hội và kiểm tra thân nhiệt.
 
★ Bộ Y tế New Zealand ngày 4-5 thông báo, nước này không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong 24 giờ, lần đầu kể từ hôm 16-3 và chưa đầy một tuần sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Tuy nhiên, người dân được khuyến cáo tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, để bảo đảm dịch không bùng phát trở lại.
 
★ Tại Mỹ, các bang New York, New Jersey, Connecticut, Pennsylvania, Rhode Island, Delaware và Massachusetts tuyên bố sẽ cùng thiết lập một hiệp hội để phối hợp mua đồ bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm và máy trợ thở. Hiệp hội này sẽ xác định nhu cầu của toàn khu vực, giảm giá thành và bình ổn chuỗi cung ứng. Bảy bang nói trên có tổng số ca nhiễm bằng khoảng 52% tổng số ca nhiễm ở Mỹ. Trong khi đó, hàng chục người ở bang Niu Oóc của Mỹ bị phạt hành chính, lên tới 1.000 USD mỗi người, vì vi phạm các hướng dẫn về giãn cách xã hội, khi đổ xô ra bãi biển và vào công viên.
 
★ Chính phủ Mexico lên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế tại một số bang kiểm soát tốt dịch bệnh từ ngày 17-5 tới, trong khi các bang còn lại sẽ hoạt động bình thường từ ngày 1-6. Cơ quan y tế Mexico cảnh báo, số ca bệnh và bị chết sẽ tăng mạnh, khi dịch bước sang giai đoạn đỉnh vào những tuần tới.
 
★ Bộ Y tế Brazil thông báo, số ca mắc Covid-19 tại nước này đã vượt ngưỡng 100.000 người, trong đó hơn 7.000 người chết. Brazil là quốc gia Mỹ latinh chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch, với hệ thống y tế bị quá tải trong khi các ca mắc tăng theo cấp số nhân.
 
★ Tại các nước khu vực Trung Mỹ, như Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala, số ca nhiễm mới tăng nhẹ, lên thành 10.124 ca. Số người chết tăng thêm sáu người, lên 311 người.
 
★ Tại châu Phi, Algeria ghi nhận thêm 179 ca nhiễm và bốn ca tử vong, nâng tổng số trường hợp nhiễm và tử vong lên lần lượt là 4.474 và 463 ca. Algeria đứng thứ tư ở châu Phi về tổng số ca mắc bệnh, sau Nam Phi, Ai Cập và Morocco, nhưng lại có số ca tử vong cao nhất châu lục.
 
Theo nhandan.com.vn