04:03, 22/03/2020

Dịch Covid-19: Gần 1 tỷ người bị cách ly, thế giới gấp rút hành động

900 triệu người trên toàn thế giới đang phải tự cách ly tại nhà nhằm ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan khi dịch Covid-19 đã khiến hơn 13.000 người tử vong.

900 triệu người trên toàn thế giới đang phải tự cách ly tại nhà nhằm ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan khi dịch Covid-19 đã khiến hơn 13.000 người tử vong.
 
Tại Mỹ, các bang California, New York, New Jersey, Illinois, Pennsylvania và Nevada đều đã ban bố lệnh ngừng mọi hoạt động không thiết yếu. Dù tới nay, Tổng thống Donald Trump vẫn bác bỏ khả năng phong tỏa toàn bộ đất nước, song chính quyền 3 thành phố lớn nhất là New York, Los Angeles và Chicago vẫn quyết định yêu cầu khoảng 100 triệu người dân “đóng cửa ở trong nhà”.
 
 

 

900 triệu người trên toàn thế giới đang phải tự cách ly tại nhà nhằm ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan khi dịch Covid-19 đã khiến hơn 13.000 người tử vong. Ảnh: Reuters
900 triệu người trên toàn thế giới đang phải tự cách ly tại nhà nhằm ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan khi dịch Covid-19 đã khiến hơn 13.000 người tử vong. Ảnh: Reuters
Còn tại Italy, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh tại châu Âu với hơn 4.800 người thiệt mạng và cũng là quốc gia đầu tiên tại châu lục ra lệnh phong tỏa toàn quốc, vẫn đang tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Cùng với việc đóng cửa toàn bộ các công viên, không gian mở và vườn hoa công cộng trong những ngày cuối tuần này nhằm hạn chế tối đa việc đi lại của người dân, Chính phủ Italy hôm qua cũng ra lệnh ngừng mọi hoạt động sản xuất, ngoại trừ những hoạt động “cực kỳ cần thiết”. Chỉ trong 24 giờ qua, Italy đã ghi nhận một con số kỷ lục những người tử vong do Covid-19, 800 trường hợp.
 
Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố: “Nếu tất cả đều tôn trọng quy tắc, thì chúng ta sẽ thoát khỏi tình trạng khẩn cấp này nhanh hơn. Đất nước cần mỗi chúng ta thể hiện trách nhiệm, trách nhiệm của 60 triệu người dân Italy. Đây là sức mạnh của đất nước, sức mạnh của một cộng đồng của các cá nhân, như cách nói của nhà xã hội học Nobert Elias”.
 
Theo số liệu do hãng tin AFP tập hợp, hơn 900 triệu người tại khoảng 35 quốc gia đã được kêu gọi ở trong nhà. Phần lớn, khoảng 600 triệu người tại 22 nước, là chịu lệnh “phong tỏa” bắt buộc như Pháp hay Italy. Những nước khác là do lệnh giới nghiêm (như Bolivia), cách ly (như tại những thành phố lớn của Azerbaijan và Kazakhstan) hay theo khuyến cáo của chính phủ (như tại Iran).
 
Những ngày qua, cũng chứng kiến thêm nhiều nước quyết định triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt này. Như tại Tunisia, lệnh phong tỏa toàn quốc hôm nay chính thức có hiệu lực, trong khi Colombia là trong 2 ngày nữa, tức là 24/3 tới. Hay tại Anh, nước này mới đây đã buộc phải tăng cường các biện pháp đối phó quyết liệt với dịch bệnh khi ra lệnh đóng cửa các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim và phòng tập thể thao.
 
Thụy Sĩ cũng gia tăng các biện phá đối  phó khi cấm mọi cuộc tụ tập từ 5 người trở lên, song vẫn bác bỏ khả năng phong tỏa toàn quốc.
 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua (21/3) một lần nữa kêu gọi các nước triển khai những biện pháp phòng ngừa quyết liệt khi nhấn mạnh, Vũ Hán, tâm dịch tại Trung Quốc là niềm hi vọng cho thế giới.
 
Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp Tổ chức Y tế thế giới Michael Ryan nhấn mạnh: “Đây là một thông điệp của sự hi vọng rằng dịch bệnh hoàn toàn có thể bị đẩy lùi và chúng ta có thể phá vỡ được chuỗi lây chuyền. Điều này đồi hỏi sự nỗ lực to lớn của toàn xã hội, cần sự phối hợp, sự đoàn kết, cần các cộng đồng hành động, những nhân viên y tế dũng cảm, cần những cam kết”.
 
Tuy nhiên, những biện pháp phòng ngừa như thế này lại không dễ thực hiện tại những khu vực dễ bị tổn thương nhất, như các khu ổ chuột lớn ở châu Á hay những nhà tù quá tải và xuống cấp trên khắp thế giới. Các chuyên gia Liên Hợp Quốc cảnh báo, 3 tỷ người không được trang bị những "vũ khí" cơ bản nhất để chống virus như nước sạch hay xà phòng.
 
Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu đang ngày một cảm nhận rõ những tác động của dịch Covid-19. Tại châu Âu, Liên minh châu Âu mới đây thông báo tạm dừng thực thi các quy định về ngân sách của khối. Biện pháp này cho phép các quốc gia thành viên chi tiêu nhiều hơn để ngăn chặn sự chững lại của nền kinh tế. Tổ chức Lao động thế giới cảnh báo, 25 triệu người đang đứng trước nguy cơ mất việc làm nếu không có các biện pháp đồng bộ ở quy mô quốc tế.  Trong bối cảnh này, tâm lý thận trọng bao trùm các thị trường tài chính. Sau tuần tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường châu Âu đã tăng nhẹ trở lại, trong khi thị trường phố Wall vẫn ngập trong sắc đỏ.
 
Một số chuyên gia lo ngại, cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 có thể tồi tệ hơn so với năm 2008./.
 
Theo VOV