05:11, 03/11/2019

Thượng đỉnh Normandy- Con đường dẫn tới hòa bình cho Đông Ukraine

Tổng thư ký NATO hoan nghênh các nỗ lực giảm căng thẳng và tin tưởng sẽ có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
 

Tổng thư ký NATO hoan nghênh các nỗ lực giảm căng thẳng và tin tưởng sẽ có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
 
Quân đội Ukraine và lực lượng đối lập ở miền Đông đang thực hiện việc rút quân ra khỏi một số khu vực, thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận đã đạt được nhằm chấm dứt xung đột tại khu vực phía Đông Ukraine.

 

Quân đội Ukraine. Ảnh: Livemint.
Quân đội Ukraine. Ảnh: Livemint.
Việc các bên dường như đang tuân thủ cam kết, từng bước xây dựng lòng tin khiến dư luận lạc quan về một hội nghị thượng đỉnh trong khuôn khổ Normandy bao gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine, có thể sớm được tổ chức trong tháng này, mở ra cơ hội hòa bình cho khu vực phía Đông Ukraine hơn 5 năm qua.
 
Cả quân đội chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi độc lập ở miền Đông hôm 29/10 vừa qua đã bắt đầu rút quân và khí tài khỏi khu vực tiền tuyến chủ chốt Zolote-4 ở miền Đông Ukraine. Phía quân đội Ukraine cho biết sẽ tiếp tục rút tại một thị trấn khác theo cam kết, miễn là không có các vi phạm ngừng bắn trong khu vực. Bước đi xây dựng lòng tin của các bên tại Ukraine đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế.
 
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh tất cả các nỗ lực để giảm căng thẳng, trong đó có việc rút lực lượng ra khỏi khu vực chiến tuyến và chắc chắn sẽ có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Chúng tôi đã chứng kiến các bước tiến được đưa ra và kêu gọi các bên sẽ tiếp tục đi theo định hướng này. NATO cũng hối thúc Nga tuân thủ thỏa thuận Minsk”.
 
Theo thỏa thuận Minsk từ năm 2016, các bên sẽ phải bắt đầu rút quân tại vùng ranh giới để lập nên ba vùng an toàn ở đây. Đây vốn được xem là rào cản cuối cùng trước khi các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Pháp và Đức có thể cùng thảo luận về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người kể từ năm 2014 tới nay. Lần gần nhất hội nghị thượng đỉnh của nhóm Normandy về tình hình Ukraine được tiến hành là vào năm 2016 tại Berlin (Đức).
 
Các bước đột phá trong cuộc đối thoại giữa Nga và Ukraine đầu tháng trước về kế hoạch bầu cử địa phương tại khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát tạo tiền đề thuận lợi cho các cuộc hòa đàm với Nga. Các nhà ngoại giao Pháp- Đức- các cường quốc lớn của châu Âu tham gia vào các nỗ lực hòa bình bày tỏ tin tưởng rằng hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra trong tháng này. Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko cũng khẳng định, Ukraine, Pháp và Đức đã sẵn sàng cho một hội nghị trong khuôn khổ Normandy và bây giờ mọi thứ đều phụ thuộc vào phía Nga. 
 
“Cuộc gặp trong khuôn khổ Normandy phụ thuộc nhiều hơn vào phía Nga bởi Ukraine đã thực hiện đầy đủ các thỏa thuận mà chúng ta đạt được. Có 2 thỏa thuận cần tuân thủ đó là công nhận Công thức Steinmeier như là một biện pháp để giải quyết xung đột và rút quân tại 3 địa điểm. Như các bạn đã biết, Ukraine đã tiến gần đến việc rút quân giai đoạn 3 -giai đoạn cuối cùng. Điều đó cho thấy Ukraine đang tạo tất cả các điều kiện cần thiết để cho hội nghị Normandy có thể diễn ra”.
 
Phát biểu trong chuyến thăm Hungary trong tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẵn sàng có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Ukraine, Đức và Pháp. Tuy nhiên, ông Putin cho rằng một hội nghị như vậy cần phải được chuẩn bị cẩn thận và đưa ra các kết quả cụ thể hướng tới giải quyết xung đột.
 
Cơ hội hòa bình đang mở ra cho khu vực miền Đông Ukraine sau nhiều năm xung đột. Mặc dù vậy hiện cũng có nhiều rào cản trên con đường hòa bình này. Với các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn vẫn xảy ra trong khu vực có thể hủy hoại những bước đi xây dựng lòng tin mà các bên vừa đạt được. Phía Ukraine cũng cho biết đang có kế hoạch tham gia cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn với NATO tại Biển Đen trong năm tới, có thể sẽ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Nga, khiến tiến trình đối thoại đi chệch hướng./.
 
Theo VOV