01:02, 13/02/2019

Australia cân nhắc biện pháp cứng rắn với Google và Facebook

Australia đang cân nhắc đề xuất các biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế sự tác động của Google và Facebook đối với báo chí.

Australia đang cân nhắc đề xuất các biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế sự tác động của Google và Facebook đối với báo chí.
 
Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) vừa thông báo khả năng sẽ đưa ra khuyến nghị cứng rắn đối với các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Facebook để bảo vệ tương lai của nền báo chí độc lập.
 
Người đứng đầu cơ quan giám sát cạnh tranh của Australia Rod Sim cảnh báo, ưu thế về công nghệ đang giúp Google và Facebook nắm giữ thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh với các phương tiện truyền thông khác tại nước này.
 

 

Australia cân nhắc biện pháp cứng rắn với Google và Facebook. Ảnh: CNBC
Australia cân nhắc biện pháp cứng rắn với Google và Facebook. Ảnh: CNBC
 
Tác động rõ ràng nhất có thể thấy được đó là doanh thu từ quảng cáo của các hãng truyền thông Australia sụt giảm mạnh trong những năm gần đây. Theo số liệu thống kê mà Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) đưa ra, 70% doanh thu quảng cáo trên mạng thuộc về Google và Facebook.
 
Ông Rod Sim cho biết, hệ quả tất yếu của điều này là “làm giảm nguồn thu của các cơ quan báo chí, qua đó ảnh hưởng tới nguồn quỹ dành cho tin tức và báo chí”. Cụ thể, trong khi Google và Facebook gia tăng nguồn thu qua quảng cáo trực tuyến thì tại Australia, số lượng nhà báo làm việc cho các cơ quan báo chí của nước này cũng sụt giảm 20%. Trước thực tế này, ông Rod Sim khẳng định, “chúng ta không thể để cho các thế lực có ưu thế về thị trường chi phối tin tức và nền báo chí”.
 
Ông Rod Sim cho rằng, thật là không công bằng khi các hãng công nghệ không sản xuất ra tin tức nhưng lại chiếm phần lớn các hợp đồng quảng cáo. Đó là chưa kể đến việc các nền tảng số không bị ràng buộc bởi các quy định dành cho báo chí khiến cho các nền tảng số có thêm nhiều lợi thế hơn so với báo chí. Vì vậy, Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) sẽ đưa ra các khuyến nghị đối với Chính phủ về một số biện pháp thắt chặt quản lý các công ty công nghệ lớn.
 
Theo đó, ông Rod Simd cho biết, các nhà quản lý truyền thông nên có quyền buộc các nền tảng tiết lộ cách thức tin tức được xếp hạng trong kết quả tìm kiếm, bao gồm cả nội dung do nhà quảng cáo tài trợ có được xếp hạng cao hơn nội dung phải trả tiền hay không hay thậm chí các tin tức gốc có bị các tin tức sao chép vượt lên hay không.
 
Ông Rod Sim cũng cho biết, có thể ACCC cũng sẽ đề nghị các nền tảng cung cấp huy hiệu chất lượng gắn với nội dung tin tức do các phương tiện truyền thông sản xuất để phân biệt với các thông tin giả mạo. Bên cạnh đó, ACCC cũng sẽ đề nghị giảm thuế đối với những nhà báo cung tin tức đáp ứng tiêu chuẩn chất lương cho các phương tiện truyền thông nhằm hỗ trợ báo chí địa phương và những người làm báo độc lập.
 
Vào cuối năm ngoái, một báo cáo của ACCC đã được công bố ban đầu sau 12 tháng điều tra do nhận được 57 đơn kiến nghị của các công ty Australia. Báo cáo ban đầu nhận định, sự ra đời và phát triển của mạng xã hội đang tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong việc tiếp cận tin tức và quảng cáo. Thực tế này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng ngày càng đối mặt với nhiều khả năng tiếp cận với các thông tin không đáng tin cậy từ các nền tảng số do họ chỉ nhìn thấy các tin tức hiện lên trên mạng xã hội sau khi được qua bộ lọc của các nền tảng này. Bên cạnh đó, ACCC cũng lo ngại về các thông tin khách hàng bị các nền tảng số thu thập. Rồi các chính sách bảo mật thông tin cá nhân cũng như các điều kiện đi kèm mà các trang web đưa ra cho người tiêu dùng cũng khiến cho Ủy ban này rất quan tâm.
 
Vào tháng 6 tới đây, ACCC sẽ công bố bản báo cáo cuối cùng kèm theo các khuyến nghị tới các cơ quan chức năng của Australia để xem xét tháo gỡ những khó khăn mà nhiều cơ quan báo chí nước này đang phải đối mặt trong bối cảnh nguồn thu từ quảng cáo suy giảm nghiêm trọng do sự phát triển của các nền tảng như Google và Facebook./.
 
Theo VOV