11:10, 16/10/2018

Facebook cấm các thông tin sai lệch về bầu cử giữa kỳ ở Mỹ

Đây là nỗ lực mới nhất của Facebook nhằm giảm tình trạng thao túng quyết định bỏ phiếu của cử tri Mỹ trên mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Đây là nỗ lực mới nhất của Facebook nhằm giảm tình trạng thao túng quyết định bỏ phiếu của cử tri Mỹ trên mạng xã hội lớn nhất thế giới.
 
Facebook sẽ cấm các thông tin sai lệch về yêu cầu bỏ phiếu lẫn những bài báo sai sự thật về tình trạng bạo lực hay xếp hàng dài tại các điểm bỏ phiếu trước cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 tới ở Mỹ. Đó là chính sách mới do trưởng bộ phận chính sách an ninh mạng của Facebook, Nathaniel và một số nhà quản lý khác của tập đoàn này tiết lộ với Reuters.
 
Mạng xã hội lớn nhất thế giới với 1,5 tỷ người dùng hàng ngày này suýt thì cấm tấm cả các “post” [bài viết hoặc dòng trạng thái – ND] sai sự thật hoặc điều hướng dư luận. Nhưng rút cuộc Facebook né tránh làm điều đó vì nhiều khả năng tập đoàn này sẽ tăng chi phí và để ngỏ khả năng đưa ra phí kiểm duyệt.
 

 

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters
 
Động thái nửa vời?
 
Động thái mới chỉ giải quyết những lĩnh vực nhạy cảm nhất đối với tập đoàn này, vốn khiến Facebook chịu chỉ trích dữ dội vỉ lơi lỏng quản trị đối với tin giả và những chiến dịch thông tin sai sự thật mà nhiều người tin rằng đã ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
 
Quyết định của Facebook cấm các thông tin sai sự thật về phương thức bỏ phiếu đưa ra 6 tuần sau khi Thượng nghị sỹ Mỹ Ron Wyden hỏi Giám đốc vận hành (Chief Operating Officer) của tập đoàn này, bà Sheryl Sandberg, về việc làm thế nào Facebook ngăn chặn được các “post” có mục đích ảnh hưởng tới số phiếu, ví dụ như nói với người dùng rằng họ có thể bỏ phiếu bằng cách nhắn tin, một trò lừa bịp từng được sử dụng để giảm số cử tri đi bỏ phiếu trước đây.
 
Thông tin về phương thức bỏ phiếu trở thành một trong số vài lĩnh vực mà ở đó, các thông tin sai trái bị cấm trên Facebook. Chính sách này được triển khai dưới hình thức mà tập đoàn này gọi là giám sát “tiêu chuẩn cộng đồng”.
 
Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn trên hiện chưa đồng đều. Nó không ngăn chặn đa số các “post” viết sai sự thật về những ứng cử viên hay các vấn đề khác của cuộc bầu cử ở Mỹ.
 
“Chúng tôi tin rằng không nên xóa bỏ những thứ trên Facebook do mọi người thực sự muốn chia sẻ nếu chúng không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, dù chúng có thể sai” – Giám đốc sản phẩm cho mảng News Feed [nơi người dùng nhìn thấy chia sẻ của bạn bè – ND], bà Tessa Lyons cho biết.
 
Theo chính sách mới, những bài viết không khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu sẽ bị liệt vào dạng phải kiểm tra sự thật và nếu đúng là chúng loan tin sai thì cũng không bị dỡ bỏ mà chỉ có một số ít bạn bè của người đăng tin nhìn thấy. Động thái này bị một số nhà phê bình cho là nửa vời.
 
Nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ
 
Trước thông báo trên vài ngày, Facebook cho biết, tập đoàn này phát hiện một chiến dịch tạo ảnh hưởng chính trị có sự điều phối nhằm thao túng người dùng và làm lung lạc cử tri, theo đó Facebook đã xóa 32 trang và tài khoản khỏi mạng xã hội này lẫn Instagram.
Một số thành viên Quốc hội biết tin này đã cho rằng người Nga có liên quan đến chiến dịch trên song Tổng thống Donald Trump lâu nay vẫn tranh cãi việc Moscow có can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 hay không, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin thì bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc trên.
 
Facebook trước đây đã đưa ra lệnh cấm toàn cầu với những thông tin sai sự thật về thời gian và địa điểm bầu cử năm 2016 nhưng động thái ngày 15/10 là động thái quyết liệt hơn.
 
Các lãnh đạo của Facebook cũng đang bàn bạc xem có nên học theo chính sách mới của Twitter nhằm cấm các “post” liên kết tới các tài liệu bị đánh cắp hay không. Bởi vụ đánh cắp thư điện tử của các quan chức đảng Dân chủ được cho là góp phần vào thất bại của ứng viên đảng này trong cuộc bầu cử năm 2016. Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats gần đây cũng cảnh báo Nga tiếp tục tìm cách đánh cắp thông tin về các ứng viên và quan chức Mỹ để tái diễn tình trạng đó.
 
Tuy nhiên, một luồng ý kiến lo ngại rằng chính sách cấm công bố các tài liệu bị đánh cắp có thể ngăn cản việc tiết lộ những thông tin có lợi cho công chúng, ví dụ như Hồ Sơ Panama về thiên đường trốn thuế cho giới nhà giàu khắp thế giới được công bố năm 2015.
 
Sẽ vẫn còn quảng cáo chính trị
 
Vài tháng trước, lãnh đạo Facebook cũng bàn bạc đến việc cấm mọi quảng cáo chính trị vốn mang về doanh thu không tới 5% cho tập đoàn.
 
Tuy nhiên, đề xuất đó bị bác bỏ vì các giám đốc sản phẩm vẫn “tiếc của” còn những người lập chính sách của tập đoàn thì cho rằng điều đó chỉ có lợi cho những người đương chức đương quyền và giới nhà giàu bởi họ có thể dễ dàng mua quảng cáo trên những kênh đắt đỏ hơn như truyền hình hay báo in.
 
Thay vào đó, Facebook sẽ kiểm tra nơi cư trú của người mua quảng cáo chính trị và lưu lại toàn bộ thông tin về việc ai đã mua gì.
 
Về vấn đề tin giả, Facebook vẫn chưa có một lệnh cấm toàn diện, thay vào đó là các biện pháp giới hạn việc lan truyền các bài báo bị đánh dấu là sai sự thật. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể khiến hệ thống kiểm tra sự thật bị quá tải và chỉ có thể xử lý được những vụ việc lớn./.
 
Theo VOV