11:04, 12/04/2020

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

 

Sau hơn 10 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.


Kinh tế phát triển


Theo ông Nguyễn Tấn Cường - Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, toàn huyện có 23 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Hầu hết trong số này đều có những bước đi vững chắc sau khi thực hiện theo Luật HTX năm 2012. Trên địa bàn đã có hàng chục mô hình liên kết giữa các HTX nông nghiệp và các đơn vị như: Viện Duyên hải Miền Trung, Công ty Thuận Nông Bình Định, Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Suối Dầu, Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố Ninh Thuận, Công ty Đông Nam... để sản xuất bình quân mỗi vụ từ 750ha đến 1.000ha lúa giống, hơn 500ha lúa thương phẩm. Trong sự liên kết này, doanh nghiệp đứng ra đầu tư giống nguyên chủng, xây dựng và hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giống, các HTX chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất. Mô hình đã giúp giảm mật độ gieo sạ, giảm chi phí đầu tư từ 15 đến 30%, tăng năng suất và sản lượng, từ đó giúp tăng thu nhập cho người trồng lúa từ 5 đến 7 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường.

 

Đường bê tông nội đồng rộng rãi tại xã Diên Thạnh.

Đường bê tông nội đồng rộng rãi tại xã Diên Thạnh.


Theo ông Võ Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Diên Hòa, hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những con đường bê tông nội đồng rộng rãi, hệ thống thủy lợi được cứng hóa vươn tỏa đến từng chân ruộng… đã tạo điều kiện tốt nhất cho người dân áp dụng máy móc, giảm thời gian, chi phí trong quá trình sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả so với trước.


Để liên kết được với các doanh nghiệp, nông dân cũng đã thay đổi rất nhiều trong cách nghĩ, cách làm. Cả HTX chung nhau một quy trình để tạo ra cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, tạo nên sản phẩm tập trung cũng như nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, nông dân thực hiện 3 cùng (cùng một loại giống, cùng thời gian gieo sạ, cùng quy trình kỹ thuật) dưới sự điều hành trực tiếp của HTX.


Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, địa phương có tính chất là khu vực vệ tinh của TP. Nha Trang nên ngoài sản xuất nông nghiệp, rất nhiều con em của các gia đình nông dân từ Diên Khánh đến  TP. Nha Trang làm việc trong các khu du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, các khu, cụm công nghiệp…, qua đó cải thiện đáng kể thu nhập cho các hộ gia đình. Chưa kể, nhiều ngành nghề của Diên Khánh cũng có xu hướng phục vụ cho thị trường Nha Trang như: rau sạch, bún bánh, đồ thủ công mỹ nghệ, cây hoa cảnh…


Theo báo cáo của UBND huyện Diên Khánh, trong số 17 xã tham gia chương trình NTM, đến hết năm 2019 đã có 13 xã đạt tiêu chí thu nhập, 15 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%. Toàn bộ các xã đều đạt tiêu chí về lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, coi đây là nòng cốt cho các tiêu chí khác đạt và vượt chuẩn.


Đời sống được nâng cao


Cảnh sắc miền quê tươi đẹp ai cũng có thể thấy khi đi trên Tỉnh lộ 8 đoạn qua huyện Diên Khánh, con đường nhựa nối từ xã Diên Hòa qua xã Diên Phước, men theo dòng sông Cái để đến xã Diên Lâm, xã Diên Xuân... Thấp thoáng giữa vườn cây xanh ngắt là những mái ngói đỏ tươi của thôn xóm, làng mạc. Chúng tôi gặp cụ Lê Dự, người đã có gần 70 năm sinh sống ở mảnh đất Diên Lâm.


Cụ phấn khởi chia sẻ niềm vui khi tuổi già được chứng kiến cảnh nhà nhà no ấm, từng bước làm giàu. Cụ càng vui hơn khi cái nét chân chất, hiền hòa của người nhà quê vẫn không mất đi.


Không những vậy, các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao… cũng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi, nâng cao mức độ thụ hưởng cho người dân. Theo lãnh đạo UBND huyện Diên Khánh, tất cả các xã trong huyện đến nay đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Trên địa bàn có trường trung cấp nghề, ngoài ra còn có các trung tâm dạy nghề của tỉnh, các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp: Suối Dầu, Diên Phú… tham gia đào tạo nghề cho nông dân thông qua các lớp đào tạo trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề phi nông nghiệp. Toàn bộ trạm y tế trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn quốc gia, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh cơ bản triển khai thực hiện tốt, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 85%... Về văn hóa, các xã NTM đều có các câu lạc bộ văn hóa, thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các thôn để duy trì và phát huy hiệu quả của nhà văn hóa thôn.


Theo ông Huỳnh Quang Thành - Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh, so với các địa phương khác trong tỉnh, chương trình xây dựng NTM ở Diên Khánh phát triển khá vững chắc. Toàn huyện có 17 xã tham gia chương trình, nay là 16 xã sau khi sáp nhập 2 xã Diên Bình và Diên Lộc thành xã Bình Lộc. Đến thời điểm này, 12/16 xã đã đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, các tiêu chí như: thu nhập của người dân, hộ nghèo, nhà tạm… đều đạt ở mức độ khá cao. Đây là địa phương nổi trội trong Chương trình Xây dựng NTM của tỉnh.


Hồng Đăng

 


 

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định khen thưởng các địa phương có thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Tại Khánh Hòa có 1 huyện, 5 xã vinh dự đón nhận khen thưởng này. Trong đó, huyện Diên Khánh được Thủ tướng tặng cờ thi đua và thưởng 10 tỷ đồng, xã Diên An và Diên Phước được Thủ tướng tặng bằng khen và thưởng 1 tỷ đồng mỗi xã để đầu tư vào các công trình phúc lợi. 3 xã còn lại là Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa), Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm), Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh).


Huyện Diên Khánh còn 4 xã gồm: Diên Bình, Diên Tân, Diên Xuân và Diên Đồng đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn NTM, trong đó nhiều khả năng xã Diên Bình sẽ hoàn thành trong năm nay.