Tỉnh Khánh Hòa nói chung, huyện Cam Lâm nói riêng trong những năm qua đã nỗ lực thực hiện Chương trình và được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tính đến hết năm 2018, tổng số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 42/94 xã (chiếm 44,7% trên tổng số xã). Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung trên toàn tỉnh là 13,4 tiêu chí/xã.
Tỉnh Khánh Hòa nói chung, huyện Cam Lâm nói riêng trong những năm qua đã nỗ lực thực hiện Chương trình và được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tính đến hết năm 2018, tổng số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 42/94 xã (chiếm 44,7% trên tổng số xã). Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung trên toàn tỉnh là 13,4 tiêu chí/xã. Sau hơn 8 năm thực hiện Chương trình, hiện nay, huyện Cam Lâm đã có 7/12 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 58,3%)
Nhờ có Chương trình Xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân các xã trong huyện được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chỉ đạo, điều hành từ huyện đến xã, thôn đã được kiện toàn và tiếp tục được củng cố để chỉ đạo, triển khai, giám sát cụ thể việc thực hiện Chương trình ở các địa phương; công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các phòng ban ngành, đoàn thể và địa phương hết sức chặt chẽ…Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn trên địa bàn huyện Cam Lâm còn một số hạn chế, khó khăn, hiện nay vẫn còn 5/12 xã chưa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 41,7%). Công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có đôi lúc còn hình thức, chưa thật sự chuyên sâu. Nhận thức của 1 bộ phận cán bộ các cấp và người dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Các xã đã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn giai đoạn 2011-2015 đến nay đều không giữ vững 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới ban hành giai đoạn 2017 – 2020. Việc triển khai rà soát và xây dựng kế hoạch để đạt đủ 19/19 tiêu chí theo chuẩn mới của một số xã còn chưa kịp thời...
Để nâng cao kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cam Lâm hiện nay, cần tập trung thực hiện một số phải pháp sau chủ yếu sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, vận động, và nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cần đổi mới cách thức tuyên truyền, vận động để đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ hơn về mục đích, nội dung và ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tham gia giữ gìn, duy trì và phát huy, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đạt được, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, giai đoạn 2019 - 2020. Đài truyền thanh – truyền hình huyện cần tằng cường thời lượng tuyên truyền cề xây dựng nông thôn mới; chú trọng giới thiệu, biểu dương các gương điển hình tiên tiến, những sáng kiến, bài học kinh nghiệm trong thực tiễn, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực tự giác tham gia cùng chính quyền địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”..
Thứ hai, chú trọng xây dựng và phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2018 mới có 02/12 xã đạt tiêu chí số 18 về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Chính vì vậy, để nâng cao kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện huyện Cam Lâm cần tăng cường nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ và các tổ chức cơ sở đảng, thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn tổ chức đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyền truyền, vận động quần chúng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, góp phần thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp: kiện toàn, củng cố hệ thống chính quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” để cung cấp dịch vụ hành chính công ngày càng tốt hơn cho nhân dân. Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện bộ máy, thi hành nghiêm luật công chức, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước cấp huyện và cấp xã để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới. Kiên quyết phòng và chống tham nhũng trên tất cả các phương diện, các địa bàn và lĩnh vực.
Thứ ba, Tăng cường huy động các nguồn vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nâng cao kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần nguồn kinh phí rất lớn. Tuy nhiên nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư cho các địa phương trên địa bàn huyện Cam Lâm hiện nay còn thấp, chưa kịp thời, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm. Cơ chế thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện tốt tiến trình xây dựng nông thôn mới cần phải có biện pháp huy động tích cực và linh hoạt, tranh thủ tất cả các nguồn vốn theo phương châm, đa dạng hóa các nguồn vốn, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn từ bên ngoài là hết sức quan trọng. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng tỷ lệ tích lũy từ nội bộ nền kinh tế của xã, huyện; khuyến khích tiết kiệm trong tiêu dùng dành cho đầu tư phát triển. Rà soát, quản lý chặt chẽ việc thực hiện định mức, chế độ chi tiêu; đảm bảo sử dụng ngân sách đúng mục đích có hiệu quả; tiết kiệm chi hành chính; tăng cường ngân sách cho đầu tư phát triển. Chủ động đề xuất các công trình xây dựng theo quy hoạch chi tiết, thực hiện xây dựng kế hoạch vốn hàng năm và cho từng dự án cụ thể về mạng lưới giao thông, thủy lợi, nhà ở dân cư, trường học, các công trình điện nước, thông tin liên lạc, cơ sở bảo vệ môi trường, phát triển cây xanh.
Tăng cường huy động nguồn vốn doanh nghiệp cần có các biện pháp tháo gỡ khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt liên quan đến các điểm nghẽn về đầu vào (mặt bằng sản xuất, nhân lực, nguyên nhiên vật liệu và năng lượng, khoa học công nghệ, chính sách thuế…) và đầu ra của sản xuất (thị trường tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa, thủ tục hành chính, thương hiệu và bảo vệ quyền sáng chế…). Đẩy mạnh chính sách xã hội hóa trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nhà ở… nhằm thu hút nguồn lực vào đầu tư phát triển. Tuyên truyền vận động biểu dương khen thưởng các điển hình trong dân cư thực hành tiết kiệm, bỏ vốn sản xuất kinh doanh, tạo ra của cải xã hội, làm giàu cho bản thân và gia đình. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ về phương hướng sản xuất, kỹ thuật, thị trường,… để người dân đạt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Một hình thức huy động vốn hiệu quả cần được linh hoạt vận dụng đó là vận động sự đóng góp người dân địa phương. Dân tộc Việt Nam có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “quê hương là chum khế ngọt”. Nhiều con em địa phương thành đạt, xa quê sẵn sàng đóng góp kinh phí góp phần xây dựng quê hương. Chính quyền cơ sở, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của các xã nên có sự kết nối kêu gọi lòng hảo tâm của con em xa quê, hỗ trợ thêm nguồn kinh phí cho địa phương, đóng góp sức mình vào việc thay đổi bộ mặt của quê hương. Bên cạnh đó, cũng cần kêu gọi sự ủng hộ sức người, sức của trong đông đảo quần chúng nhân dân đang công tác, sinh sống địa phương, đặc biệt những người có điều kiện kinh tế, nhiệt tình muốn đóng góp cho sự nghiệp xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh.
Thứ tư, tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất
Cần định hướng cho nông dân phát huy thế mạnh về sản xuất, vốn đối ứng và giống cây trồng, vật nuôi theo thế mạnh của từng địa phương. Trong đó tập trung vào hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm, linh hoạt trong xử lý về điều kiện thời tiết, cũng như dịch bệnh. Tập trung đầu tư và nhân rộng mô hình có hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện của địa phương, ít chịu rủi ro của thời tiết, dịch bệnh và triển khai sản xuất đúng thời vụ. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Rút kinh nghiệm và cải thiện những khó khăn, vướng mắc của Chương trình kịp thời.
Thứ năm, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham gia chỉ đạo, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho người dân.
Để xây dựng được mô hình nông thôn mới có hiệu quả chất lượng cao cần có đội ngũ cán bộ lãnh đạo có năng lực, trách nhiệm cao, vì vậy cần tăng cường bổ sung kiến thức kĩ thuật cho cán bộ cũng như chủ doanh nghiệp, trang trại, hộ sản xuất, kinh doanh. Cán bộ xã cần thường xuyên làm việc hợp tác với bà con nhân dân để nâng cao đời sống dân trí, tích cực tham gia vào các hoạt động xã đề ra nhằm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng như các vấn đề phát triển kinh tế xã.
Tích cực vận động người dân tham gia hưởng ứng các phong trào đoàn thể, những buổi tập huấn cho bà con hiểu biết thêm về kĩ năng sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh việc tích cực sản xuất cần chú trọng đến phát triển toàn diện về các mặt như giáo dục, văn hóa, môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên địa phương… Đẩy mạnh hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.
Thứ sáu, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã trên địa bàn.
Đảng ủy và chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm; xử lý nghiêm những sai phạm nếu có trong việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Căn cứ vào quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt, UBND Huyện cần tập trung chỉ đạo các xã rà soát tiến độ và kết quả thực hiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới ban Ban hành giai đoạn 2017 – 2020. Cần quán triệt các xã nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo 06 tháng, hàng năm tình hình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết.
Đặc biệt, đối với các xã đã được công nhận xã nông thôn mới nhưng hiện nay không còn giữ vững và đạt 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới cần tránh tư tưởng chủ quan, tự hài lòng với kết quả đã đạt được; cần nỗ lực thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, nâng cao hơn nữa các tiêu chí đã đạt, xứng đáng với danh hiệu đã được công nhận.
Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, chính quyền và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của đông đảo quần chúng nhân dân. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cần tuyên truyền cho đông đảo quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên ý thức được trách nhiệm cá nhân của mình trong các hoạt động từ tham gia hội họp, góp ý kiến tới hành động cụ thể cùng chính quyền tích cực thực hiện Chương trình và giám sát quá trình thực hiện, phát hiện những điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo để biểu dương và nhân rộng mô hình, đồng thời cũng thấy được những hạn chế, thiếu sót cần xử lý và điều chỉnh để nâng cao hơn nữa kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài và liên tục. Để thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Huyện Cam Lâm hiện nay đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân nhân cùng thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp đã nêu trên.
Th.s. Nguyễn Thị Hằng Nga
(Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa)