Thiếu vốn và những khó khăn đặc thù của miền núi khiến việc thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới của 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh còn nhiều hạn chế.
Thiếu vốn và những khó khăn đặc thù của miền núi khiến việc thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới (NTM) của 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh còn nhiều hạn chế.
Mức đạt tiêu chí còn thấp
Toàn tỉnh Khánh Hòa có 20 xã thuộc 2 huyện miền núi đang triển khai Chương trình xây dựng NTM, trong đó huyện Khánh Sơn có 7 xã và huyện Khánh Vĩnh có 13 xã. Tuy nhiên, việc hoàn thành các tiêu chí NTM tại 2 địa phương này đạt thấp. Đến nay, chỉ có 2 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí (chiếm 10%) là Sơn Bình (Khánh Sơn) và Sông Cầu (Khánh Vĩnh); các xã còn lại chỉ đạt từ 5 đến 9 tiêu chí.
Phát triển cây sầu riêng tại Khánh Sơn |
Xã Sơn Bình là xã chỉ đạo điểm của tỉnh, nhưng đến nay chỉ đạt 14/19 tiêu chí. Ông Cao Liên - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho hay, xã còn 5 tiêu chí chưa đạt là: thu nhập, nhà ở, hộ nghèo, y tế và cơ sở vật chất văn hóa. Đây là những tiêu chí khó, đặc biệt là các tiêu chí: thu nhập, hộ nghèo và nhà ở. Năm 2015, bình quân thu nhập đầu người toàn xã chỉ đạt 17 triệu đồng (tiêu chí là 23 triệu đồng). Xã còn hàng trăm nhà ở xuống cấp, dột nát, chưa kiên cố cần sửa chữa, nâng cấp, xây mới. Dự kiến đến năm 2017, xã Sơn Bình phấn đấu hoàn thành Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM.
Xã Khánh Nam (Khánh Vĩnh) nằm trong top 5 xã phát triển khá của huyện, nhưng đến nay mới đạt 9/19 tiêu chí. Theo ông Trần Minh - Chủ tịch UBND xã Khánh Nam, có rất nhiều tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Tuy nhiên, xã đang gặp khó khăn về vốn và quỹ đất. Hiện nay, quỹ đất 5% của xã rất hạn chế, nên rất khó để triển khai xây dựng các công trình công cộng. Xã kiến nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ vốn; quy hoạch quỹ đất, hỗ trợ kinh phí giải tỏa để xã mở rộng diện tích đất Nhà nước quản lý, tạo thuận lợi khi xây dựng các công trình công cộng.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, nguyên nhân các xã miền núi chậm đạt các tiêu chí, ngoài đặc thù địa hình, khí hậu, trình độ sản xuất còn do nguồn vốn đầu tư ít, chưa tập trung. Trong khi đó, các xã miền núi kinh tế chủ đạo vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả còn thấp; đời sống nhân dân mà phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; việc tiếp cận khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất chưa cao. Người dân chưa phát huy được tính tự giác, chủ động sản xuất, tiết kiệm, một bộ phận còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; liên kết giữa doanh nghiệp với người lao động để đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tiêu thụ nông sản, cung cấp dịch vụ còn khiêm tốn...
Cần có chính sách đặc thù
Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương và tỉnh bố trí trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM để triển khai thực hiện các nhóm tiêu chí NTM tại 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, giai đoạn 2011 - 2015 là 102 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương gần 52 tỷ đồng, tỉnh hơn 50 tỷ đồng (chưa tính vốn đối ứng và nguồn nhân dân đóng góp). Từ nguồn vốn Trung ương, từ năm 2012 - 2015 đã hỗ trợ cho xã Sông Cầu (Khánh Vĩnh) và xã Sơn Bình (Khánh Sơn) với tổng kinh phí 0,9 tỷ đồng, triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn như: trồng sầu riêng, mía tím, mít nghệ...; chăn nuôi bò, heo, gà, bồ câu Pháp...; hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất (máy cày tay, máy xới đất trồng mía…). |
Thời gian qua, Chương trình xây dựng NTM đã đạt được một số kết quả khích lệ. Cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp tại các xã miền núi đã chủ động vào cuộc. Từ đó, huy động được sự ủng hộ của người dân và tạo chuyển biến mới trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Việc thực hiện đồng thời 3 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh (NTM; kinh tế - xã hội miền núi, phát triển nguồn nhân lực) nhằm huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cao trình độ của cán bộ, công chức, áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, nguồn vốn vẫn còn khiêm tốn, rất khó để các xã hoàn thành các tiêu chí cứng về cơ sở hạ tầng, chưa nói đến các tiêu chí phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất. Hiện nay, việc phân bổ vốn trái phiếu chính phủ (1,6 lần cho xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2014 - 2016; 2 lần cho xã không thuộc đối tượng ưu tiên và các xã nghèo) làm hạn chế nguồn vốn tập trung cho các xã miền núi. Bởi vậy, cần có chính sách đặc thù cho các xã miền núi.
Theo ông Huỳnh Quang Thành - Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, Trung ương đã có văn bản ưu tiên vốn cho các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo đó, HĐND tỉnh sẽ sửa đổi Nghị quyết 21/2012 (về hỗ trợ vốn ngân sách thực hiện Chương trình xây dựng NTM) theo hướng tăng mức hỗ trợ cho các xã miền núi thực hiện các tiêu chí về hạ tầng. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất cho tỉnh giải pháp xây dựng các vùng chuyên canh để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa (mía tím, sầu riêng tại Khánh Sơn; bưởi da xanh tại Khánh Vĩnh), nhằm tạo “cú hích” cho miền núi phát triển sản xuất trong xây dựng NTM...
P.L