11:11, 15/11/2015

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã phục vụ đắc lực công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã phục vụ đắc lực công tác quản lý nhà nước (QLNN) và cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.


Đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT, ứng dụng các phần mềm quản lý


Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, hạ tầng CNTT dùng chung của tỉnh đã cơ bản được nâng cấp, hoàn thiện. Hiện nay, 100% sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, văn phòng HĐND và UBND cấp tỉnh, huyện đã có mạng tin học nội bộ; khoảng 70% UBND cấp xã được lắp đặt hệ thống mạng nội bộ phục vụ việc triển khai các ứng dụng hỗ trợ công tác QLNN. Dự kiến, đến hết năm 2015 sẽ đạt 100% các xã có mạng nội bộ. Trung tâm dữ liệu và mạng tin học diện rộng (mạng WAN) của tỉnh đã được nâng cấp và duy trì hoạt động ổn định, cơ bản đáp ứng yêu cầu vận hành các ứng dụng dùng chung của tỉnh.


Hiện nay, các ứng dụng CNTT dùng chung đã được triển khai phục vụ công tác QLNN và CCHC, gồm 6 phần mềm: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành (Eoffice) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát của lãnh đạo; hỗ trợ tác nghiệp gửi/nhận, xử lý văn bản đi/đến trong nội bộ cơ quan hoặc giữa các cơ quan trên môi trường mạng. Phần mềm một cửa điện tử phục vụ công tác quản lý, giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trong nội bộ cơ quan; hỗ trợ việc tiếp nhận và giải quyết TTHC trên môi trường mạng theo cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại. Phần mềm kiểm soát TTHC phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan phụ trách chuyên môn đối với việc tiếp nhận và giải quyết TTHC trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Phần mềm các cổng/trang thông tin điện tử phục vụ hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin giữa cơ quan, địa phương với người dân và cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua mạng Internet. Phần mềm thư điện tử công vụ và quản lý cán bộ, công chức viên chức.


Tác động tích cực


Việc triển khai sử dụng các ứng dụng CNTT dùng chung đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp về đẩy mạnh CCHC.Đến nay, 40 cơ quan cấp tỉnh, 8 UBND cấp huyện và 137 UBND cấp xã đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành, đảm bảo việc gửi/nhận, xử lý văn bản điện tử liên thông từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và ngược lại. Theo thống kê, 27% văn bản điện tử được gửi/nhận hoàn toàn qua môi trường mạng; 31% vừa được chuyển qua môi trường mạng vừa được chuyển bằng văn bản giấy; 72,6% được gửi/nhận trong nội bộ cơ quan qua môi trường mạng và 22% văn bản điện tử trao đổi trên mạng có chứng thực chữ ký số. Hiện nay, 77,5% cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện có sử dụng chứng thư số.


Đến nay, 100% các sở, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện có cổng hoặc trang thông tin điện tử và 100% UBND cấp xã có trang thông tin điện tử phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, khi triển khai tiếp nhận, giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3, ban đầu chỉ số lượng rất ít ở Sở Thông tin và Truyền thông. Đến nay, qua giai đoạn đầu bỡ ngỡ, hồ sơ điện tử trực tuyến mức độ 3 đã phát sinh nhiều hơn ở một số lĩnh vực của các sở như: Công thương, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài chính… với hơn 500 hồ sơ (chưa kể lĩnh vực Thuế và Hải quan).


Tuy nhiên, bên cạnh các tiện ích, một số phần mềm khi đưa vào sử dụng còn hạn chế, gây khó khăn cho các đơn vị trong việc tra cứu, lưu trữ dữ liệu, kiểm soát công việc…; các chức năng, tiện ích cần bổ sung thêm, thống nhất các phiên bản trong các cơ quan, đơn vị để thống nhất việc cập nhật, sử dụng thông suốt.


Đánh giá cao hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong QLNN và CCHC trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đồng chí Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức đối với việc ứng dụng CNTT trong QLNN và CCHC. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT; rà soát việc triển khai các ứng dụng dùng chung trên toàn tỉnh. Từ đó, nâng cấp, hoàn hiện các chức năng, tiện ích các phần mềm theo hướng đảm bảo quy phạm, chuẩn mực, thông suốt, dễ sử dụng; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để hướng dẫn cho các đơn vị trong tỉnh sử dụng có hiệu quả các phần mềm trên...


N.D