22:10, 12/05/2023

Chuyện người bác sĩ ở Trường Sa năm 1988

​​​​​​​XUÂN THÀNH

Cách đây hơn 2 tháng, khi gặp nhà báo Nguyễn Viết Thái để viết về chuyến đi Trường Sa ngay sau khi diễn ra sự kiện Gạc Ma (14-3-1988), tôi đã bắt gặp bức ảnh bác sĩ mổ ruột thừa cho lính đảo Phan Vinh mà ông đã chụp cách đây 35 năm. Hỏi chuyện, tôi bất ngờ khi biết bác sĩ ấy đang ở ngay xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang), đó là Đại tá, bác sĩ Nguyễn Đình Năng - nguyên Chủ nhiệm Quân y, Học viện Hải quân...

Bác sĩ Nguyễn Đình Năng (bên phải) thực hiện ca mổ cắt ruột thừa trên đảo Phan Vinh tháng 5-1988. Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghề y

Một ngày đầu tháng 5, tôi đã gặp bác sĩ Nguyễn Đình Năng ngay tại nhà riêng của nhà báo Nguyễn Viết Thái. Ở tuổi ngoài 60, bác sĩ Năng nhớ như in thời lính trẻ của mình. Tốt nghiệp Học viện Quân y, tháng 10-1986, ông được phân công về công tác tại Vùng 4 Hải quân. Thời đó, để bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa, quân ta bắt đầu đóng ở trên đảo nhiều hơn, đồng nghĩa phải có thêm lực lượng quân y ra đảo. Tháng 7-1987, ông lên tàu đi Trường Sa. Tàu ghé nhiều đảo rồi đến Phan Vinh, nơi công tác của bác sĩ trẻ Nguyễn Đình Năng. Trường Sa khắc nghiệt hơn những gì mà ông hình dung. Mùa hè, đảo Phan Vinh nắng như đổ lửa. Lớp đá san hô tỏa hơi nóng hầm hập, nhà cửa còn khá tạm bợ…, đặc biệt là rất hiếm nước ngọt và rau xanh. Cả đảo chỉ trồng được một ít cải bẹ trong thùng đất nên lâu lâu mới được cải thiện một bữa canh có rau mà lính đảo vẫn thường nói đùa là canh "đại dương". “Nước ngọt lúc đó rất thiếu. Mỗi người chỉ được 5 lít nước ngọt/người/ngày. Buổi giao ban nào đảo trưởng cũng nhắc phải tiết kiệm nước, phải tích cực trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và chiến đấu”, bác sĩ Năng nhớ lại. Lực lượng trên đảo khá mỏng nên quân y cũng phải tham gia trực chiến. “Đêm xuống, lính đảo phải liên tục đi tuần, căng mắt quan sát để chống người nhái xâm nhập. Là sĩ quan nên tôi cũng phải tham gia trực chỉ huy…" - bác sĩ Năng nói. 

Bác sĩ Nguyễn Đình Năng (bên phải) và nhà báo Nguyễn Viết Thái xem lại ảnh Trường Sa năm 1988.

Ở Trường Sa thời ấy, cánh quân y rất sợ gặp phải các ca đau ruột thừa. Cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ y, bác sĩ thiếu kinh nghiệm, việc mổ ruột thừa trên đảo là thử thách không nhỏ cho bất kỳ ai. Điều lo lắng của bác sĩ Nguyễn Đình Năng từ khi còn ở đất liền cuối cùng cũng đã đến. Vào một ngày đầu tháng 5-1988, mới hơn 6 giờ, hạ sĩ Trần Văn Thanh (quê ở Bình Trị Thiên cũ) đau bụng, được đồng đội dìu lên quân y để khám. Qua thăm khám, bác sĩ Năng biết ngay bệnh nhân bị viêm ruột thừa, cần phải mổ gấp. Ngặt nỗi, lúc đó trên đảo chỉ duy nhất bác sĩ Năng đã từng trực tiếp mổ 1 ca viêm ruột thừa trước khi ra đảo, còn y sĩ Tế (người Thái Bình) và y tá Hiệp (người Ninh Bình) chưa một lần xem mổ ruột thừa chứ đừng nói là đứng phụ mổ. Bác sĩ Năng kể: “Tôi chỉ đạo anh em làm sạch dao mổ, hấp cách thủy để tiệt trùng; tranh thủ xem lại tài liệu để hướng dẫn anh em những việc cần thiết khi phụ mổ. Không có bác sĩ gây mê hồi sức nên tôi quyết định sử dụng phương pháp tiền mê - tê tại chỗ (gây tê làm cho một vùng nhỏ không còn cảm giác đau), nghiên cứu tài liệu để căn liều lượng rồi hướng dẫn anh em tiêm thuốc gây tê”.

Khi ấy, sự kiện Gạc Ma 14-3-1988 vẫn còn nóng hổi. Không khí trên đảo căng như thời chiến nên theo quy định, việc khám, chữa bệnh phải thực hiện dưới hầm quân y. Do thiếu ánh sáng, bác sĩ Năng xin chỉ huy đảo mổ ở nhà quân y thay vì dưới hầm như quy định. “Gần 8 giờ, chúng tôi bắt đầu phẫu thuật. Tôi hít một hơi thật sâu để tự trấn an mình, mím môi rạch đường mổ đầu tiên… rồi lần tìm ruột thừa để cắt bỏ. Khoảng 45 phút thì hoàn thành ca mổ. Thật may ca mổ an toàn. Ra khỏi phòng mổ, ai đó dúi cho tôi gói thuốc Đà Lạt, tôi hút liền 2 điếu mới thư thái trở lại”, bác sĩ Năng nhớ lại kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghề y của mình.

“Vậy còn tấm ảnh, anh chụp lúc nào?” - tôi quay sang hỏi nhà báo Nguyễn Viết Thái đang ngồi cạnh bên. “Sáng hôm đó, khi đang ở đảo Phan Vinh, nghe tin ở bệnh xá của đảo có ca mổ ruột thừa, tôi tức tốc chạy lên. Khi đến nơi, anh Năng và các đồng nghiệp đang mổ. Vì tiết kiệm phim và không muốn làm phiền đến ê-kip phẫu thuật, tôi chỉ bấm một kiểu duy nhất rồi ra ngoài chuyện trò cùng các anh chỉ huy của đảo. Khi ca mổ xong, tôi chụp thêm kiểu anh Năng và y sĩ đứng trước nhà quân y”, ông Thái nhớ lại.

Ca mổ đã được thực hiện thành công, cán bộ, chiến sĩ trên đảo vui mừng vì đồng đội đã qua khỏi cơn nguy kịch. Chỉ huy đảo lập tức tặng phần thưởng đột xuất cho lực lượng quân y là 1kg đường và đậu đen để nấu chè. Sau này, khi hồi phục sức khỏe, cậu lính trẻ không quên ơn cứu mạng của bác sĩ Năng. Mỗi khi đi bắt cá, bao giờ cũng chọn con ngon nhất mang đến tặng cho ân nhân của mình. 35 năm đã qua, nhìn lại tấm ảnh về ca mổ ở đảo Phan Vinh năm 1988, bác sĩ Nguyễn Đình Năng không khỏi xúc động. Bởi ở đó không chỉ có gian khổ mà còn có tình đồng chí, đồng đội. "Nhiều lần tôi muốn tìm lại người lính - bệnh nhân hôm đó để xem cuộc sống về sau của anh thế nào, nhưng thời gian lâu quá rồi, tỉnh Bình Trị Thiên đã chia tách nên không biết tìm đâu" - bác sĩ Năng chia sẻ.

Nên duyên từ một ca mổ

Ngày tàu rời đảo Phan Vinh, bác sĩ Nguyễn Đình Năng nhờ nhà báo Viết Thái làm "bồ câu" đưa thư cho cô giáo Quảng Thị Phương Dung - giáo viên Trường Mầm non Vạn Thạnh (Nha Trang). Nhắc chuyện xưa, bác sĩ Năng mới hé lộ “cô ấy chính là bệnh nhân tôi đã mổ ruột thừa khi còn ở đất liền và cũng là vợ tôi bây giờ”.

Vợ chồng bác sĩ Nguyễn Đình Năng cùng con trai, con dâu và các cháu.
Vợ chồng bác sĩ Nguyễn Đình Năng cùng con trai, con dâu và các cháu.

 Chuyện là, hồi ấy, để chuẩn bị cho chuyến đi Trường Sa, Vùng 4 Hải quân đã gửi một số bác sĩ trẻ đi thực tập, nâng cao trình độ ở Bệnh viện Đa khoa Phú Khánh (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa). Xác định ra đảo phải “độc lập tác chiến” nên ông xin về Khoa Ngoại với mục đích học hỏi kinh nghiệm mổ ruột thừa. Cứ có ca đau ruột thừa nào là ông cũng xin phụ mổ để có thêm kinh nghiệm thực tế. “Tháng 4-1987, đang trực đêm thì có ca viêm ruột thừa cấp. Bác sĩ Tuấn (người chuyên mổ ruột thừa ở Khoa Ngoại khi ấy) bảo tôi: Ca này cậu mổ đi để lấy kinh nghiệm. Đã phụ mổ nhiều lần và được sự động viên nên hôm đó, tôi tự mình thực hiện ca mổ cho bệnh nhân Dung rất thành công”, bác sĩ Năng kể. Những ngày sau, bác sĩ Năng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên bệnh nhân. Cảm kích sự quan tâm của người bác sĩ trẻ, sau khi ra viện ít lâu, cô giáo Phương Dung rủ đồng nghiệp đến bệnh viện cảm ơn bác sĩ Năng. Từ đó, họ cảm mến nhau...

Ngày bác sĩ Năng ra đảo, cô giáo Phương Dung tiễn đưa cùng lời hẹn “bao lâu em vẫn chờ”. Những ngày ở đảo, đêm đêm, người bác sĩ trẻ viết vào nhật ký những lời nhớ thương, kể chuyện đời sống của mình và đồng đội. Mỗi khi có tàu ra đảo, ông gom những trang thư - nhật ký gửi về đất liền cho người thương. Đổi lại, thi thoảng, ông nhận được thư và vài món quà nhỏ của cô giáo ở Nha Trang. Chỉ vậy thôi nhưng thật ấm lòng người lính đảo, niềm tin về tình yêu lớn dần theo thời gian. Tháng 10-1988, bác sĩ Năng về lại đất liền. Và ít tháng sau, đám cưới của bác sĩ quân y và cô giáo trẻ diễn ra giản dị nhưng ấm cúng và hạnh phúc. Hai người con lần lượt ra đời được vợ chồng ông đặt tên là Khánh Hòa và Đình Thuận - những cái tên thể hiện niềm mong ước gia đình sẽ luôn hòa thuận, yên vui. Công tác ở Vùng 4 Hải quân đến năm 2004, bác sĩ Năng chuyển về công tác ở Học Viện Hải quân, làm Bệnh xá trưởng rồi Chủ nhiệm Quân y. Nghỉ hưu năm 2017, sau một thời gian nghỉ ngơi, ông quay lại làm việc cho các đơn vị y tế tư nhân, vừa có thêm thu nhập, vừa góp phần chăm lo sức khỏe cộng đồng.

XUÂN THÀNH