10:07, 18/07/2022

Rút một phần yêu cầu khởi kiện ra tòa, án phí tính sao?

Bạn tôi mượn tôi 100 triệu đồng và 20 chỉ vàng mà không trả nên tôi kiện ra tòa. Khi Tòa án hòa giải, chúng tôi thống nhất bạn tôi chỉ trả tôi 100 triệu đồng, còn 20 chỉ vàng thì không phải trả (vì để cấn trừ một khoản nợ khác). Như vậy, nếu tòa án công nhận sự thỏa thuận của chúng tôi thì tiền tạm ứng án phí đối với 20 chỉ vàng được tính như thế nào, ai là người chịu?
 

Hỏi: Bạn tôi mượn tôi 100 triệu đồng và 20 chỉ vàng mà không trả nên tôi kiện ra tòa. Khi Tòa án hòa giải, chúng tôi thống nhất bạn tôi chỉ trả tôi 100 triệu đồng, còn 20 chỉ vàng thì không phải trả (vì để cấn trừ một khoản nợ khác). Như vậy, nếu tòa án công nhận sự thỏa thuận của chúng tôi thì tiền tạm ứng án phí đối với 20 chỉ vàng được tính như thế nào, ai là người chịu?
 
(Phạm Thị Hồng - Nha Trang)
 
Trả lời: Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định việc đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện trước khi mở phiên tòa thì được xử lý như thế nào mà chỉ quy định việc đương sự rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện tại điểm a khoản 2 Điều 210, điểm c khoản 1, 2, 3, 4 Điều 217, khoản 1 Điều 29, Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Trường hợp này, việc bà rút yêu cầu đối với 20 chỉ vàng phải được ghi nhận vào Biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tòa án căn cứ Điều 212 của Bộ luật Tố tụng dân sự ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
 
Về án phí, theo quy định tại khoản 7 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì “Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch”.
 
Do vậy, các bên phải chịu 50% mức án phí đối với số tiền 100 triệu đồng, khoản tiền tạm ứng án phí đã nộp đối với yêu cầu trả 20 chỉ vàng thì 2 bên không phải chịu án phí nên sẽ được hoàn trả lại.
 
Luật sư Nguyễn Quang Vinh