Luật Thừa phát lại quy định trường hợp nào Thừa phát lại không được lập vi bằng?
Hỏi: Luật Thừa phát lại (TPL) quy định trường hợp nào TPL không được lập vi bằng?
Lê Văn T. (phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang)
Trả lời: Đến nay chưa có Luật TPL. Về phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của TPL được thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Nghị định số 61 ngày 24-7-2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135 ngày 18-10-2013 của Chính phủ (gọi chung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP). Theo đó, TPL có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại của Bộ luật Dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Những trường hợp TPL không được vi bằng cụ thể như sau:
Thứ nhất, TPL không lập vi bằng các trường hợp liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 61/2009.
Thứ hai, TPL không lập vi bằng các trường hợp vi phạm các quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng theo quy định của pháp luật về an ninh, quốc phòng, như: việc lập vi bằng xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật Nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật Nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lại trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng và khu vực quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Thứ ba, TPL không lập vi bằng các trường hợp vi phạm bí mật đời tư theo quy định của Bộ luật Dân sự, trái đạo đức xã hội.
Đồng thời để việc lập vi bằng không chồng chéo với hoạt động công chứng chứng thực, lợi dụng việc lập vi bằng để thực hiện các giao dịch mà pháp luật không cho phép, Bộ Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn yêu cầu các văn phòng TPL cần lưu ý: không lập vi bằng để chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; không xác nhận chữ ký, bản sao từ bản chính; không lập vi bằng các sự kiện, hành vi nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng, trừ trường hợp sự kiện, hành vi trái pháp luật do người khác thực hiện ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu lập vi bằng; không lập vi bằng các sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ trừ trường hợp sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng (Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL ở Trung ương hướng dẫn bổ sung: TPL không lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ, trừ trường hợp sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng hoặc theo đề nghị của cán bộ, công chức, cơ quan, tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình).
Luật sư Nguyễn Hồng Hà