02:12, 26/12/2020

Tháo bỏ oán thù

Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án cố ý gây thương tích ban đầu khá căng thẳng.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án cố ý gây thương tích ban đầu khá căng thẳng.


Kháng cáo xin hưởng án treo nhưng bị cáo H.T (sinh năm 1966, trú Ninh Hòa) không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ mới. Lời trình bày của T. cũng chỉ thể hiện sự tức giận, vì bị hại đã “nuốt lời hứa”, nhận 30 triệu đồng mà không thực hiện được việc. Làm nghề lượm ve chai nuôi 3 con, vợ chồng T. đâu khá giả gì, số tiền đó phải đi vay. Vậy mà khi T. đòi lại, bị hại không trả, còn chém gãy tay T. Đã vậy, suốt thời gian T. điều trị, bị hại chẳng thăm hỏi gì. Tức tối đầy vơi, sau khi tay lành, T. mới tìm bị hại chém!


Vị thẩm phán nghiêm khắc hỏi: “Bị cáo có biết việc bị hại chém bị cáo gãy tay là vi phạm pháp luật?”. T. xác nhận biết. Thẩm phán tiếp: “Biết là vi phạm, sao bị cáo còn chém bị hại?”. T. cúi đầu lí nhí: “Vì bị cáo tức quá, chịu không nổi!”.


Về phần mình, bị hại cũng tỏ ra bức bối giơ bàn tay còn băng cố định nói, không phải tự dưng ông chém T. Chính T. chủ động đến nhà gây sự, đánh ông. Ông chỉ tự vệ! Mấy tháng sau, khi ông đang đi bộ, bị cáo lại phóng xe máy tới, giơ rựa chém ông. Nếu dân làng không la lối, ông không quay đầu lại và giơ tay đỡ, chắc chắn thương tích không chỉ 26%. Vậy mà suốt thời gian qua, bị cáo chẳng hề tới thăm hỏi. Khoản tiền 25 triệu đồng mà T. tự nguyện nhận bồi thường, đến giờ chưa đưa đồng nào. Lúc chờ mở phiên tòa này, T. còn đe dọa, T. đi tù thì ông cũng không sống yên được. Vì vậy, đề nghị tòa tăng nặng hình phạt!


T. lại tức tối cãi, đâu phải tự dưng T. tới nhà bị hại! T. đến đòi tiền nhưng lại bị bị hại chém gãy tay! Sau khi vụ án được khởi tố, T. đã rút yêu cầu khởi tố, trong khi đó, bị hại vẫn xin tăng hình phạt với T.! Vì thế, T. mới nhất thời tức giận đe dọa cho bõ tức. T. chưa bồi thường do tạm thời đang rất khó khăn. Đến giờ, khoản vay đưa bị hại lo công việc chưa trả được. Bị hại lại chẳng chịu trả lại khoản này; bồi thường chi phí điều trị do đánh gãy tay bị cáo cũng không có!


Chủ tọa nghiêm khắc phân tích: Trong vụ án này, bị cáo đã phạm tội. Không có quy định nào cho phép tức ai đó thì cầm rựa chém! Đối với mâu thuẫn về tiền bạc và chi phí điều trị thương tích do bị hại gây ra, bị cáo có quyền khởi kiện dân sự để đòi lại. Bị hại cũng cần thấy phần lỗi của mình. Việc bị hại gây thương tích cho bị cáo là có thật, vụ án đã được khởi tố, nhưng do bị cáo tự nguyện rút yêu cầu khởi tố nên vụ án mới được đình chỉ. Đến nay, bị hại chưa bồi thường chi phí điều trị cho bị cáo. Bị hại cũng cần thấy được thiện chí của bị cáo để cân nhắc kháng cáo của mình. Là hàng xóm, nếu bên nào cũng chỉ nghĩ đến trả thù, thì oán thù mãi chất chồng, sau này sao qua lại nhìn mặt nhau?


Cuối cùng, tòa đã đình chỉ xét xử phúc thẩm, tuyên án sơ thẩm có hiệu lực thi hành sau khi bị cáo xin rút kháng cáo, chấp nhận 2 năm tù; bị hại cũng xin rút đề nghị tăng hình phạt với T. Không ai biết nội dung cuộc trò chuyện của bị cáo và bị hại sau đó, nhưng tất cả đều thấy cả hai bá vai, cười nói vui vẻ như chưa từng có thù hằn.


TAM THUẬT