10:03, 23/03/2020

Chỉ có thể là lừa đảo!

Những người biết sơ qua nội dung vụ án lừa đảo không khỏi tò mò về bị cáo Đ.P.V (sinh năm 1988, trú thành phố Nha Trang), nhất là khi biết V. chỉ là nhân viên. Chỉ khi nghe V. khai trước tòa, người dự mới dần hiểu ra.

Những người biết sơ qua nội dung vụ án lừa đảo không khỏi tò mò về bị cáo Đ.P.V (sinh năm 1988, trú TP. Nha Trang), nhất là khi biết V. chỉ là nhân viên. Chỉ khi nghe V. khai trước tòa, người dự mới dần hiểu ra.


Cách nói có vẻ nhún nhường mà rành rẽ, dường như V. có đủ “tố chất” thuyết phục người khác. Quá trình lừa đảo của V. là một chuỗi hành vi gian dối nối tiếp, cái sau bổ sung cho cái  trước. Là nhân viên công ty thiết kế xây dựng, V. biết rõ nhiệm vụ của mình chỉ là giám sát công trình, không có quyền tuyển dụng nhân viên. Tuy nhiên, được lãnh đạo tin tưởng và biết tin công ty sẽ mở rộng quy mô, V. nhanh chóng nhận ra công ty sẽ cần thêm nhân sự. Quá trình làm, V. quen thân với người bảo vệ khu vực thi công, tự nhận là chỉ huy công trình, thân quen với lãnh đạo công ty, có khả năng xin vào làm với giá 40 triệu đồng/trường hợp và thuyết phục được người này giới thiệu một trường hợp. Từ đó, V. tiếp tục được nhờ xin việc giùm cho 9 trường hợp khác.


Để kéo dài thời gian hứa xin việc, V. lấy chứng minh nhân dân của một bạn học cũ từng hứa hẹn giúp xin việc để đăng ký số điện thoại mới và cho số liên lạc, nói dối những người đi xin việc đó là số điện thoại của giám đốc công ty, có thể hỏi tình hình. Khi những người này gọi tới, V. lại thản nhiên giả giọng giám đốc thông báo đã nhận hồ sơ để... trấn an. Sau đó, V. chụp lại một số văn bản của công ty đưa cho những người xin việc xem để họ an tâm chờ đợi. V. lại dựa vào hợp đồng lao động của bản thân để soạn ra hợp đồng mới và đưa cho các bị hại ký; thông báo thời hạn đến công ty nhận quyết định.


Cũng để câu kéo thời gian, khi biết những người xin việc kéo đến công ty và biết chuyện đơn vị không hề nhận hồ sơ, V. lại tiếp tục điện thoại thông báo những người xin việc đến một nhà may để may đo trang phục đi làm, rồi nhanh chân tới trước, tự giới thiệu mình là đại diện công ty, tiếp tục hứa hẹn liên lạc khi có quyết định.


Cũng với chiêu bài quen thân với các sếp, nắm được thông tin về các dự án sắp triển khai, có thể giúp các đơn vị được tham gia dự án, V. đã hứa giúp ký được hợp đồng tham gia hạng mục của dự án. Để thuyết phục, V. còn tạo lập hộp thư điện tử, chuyển các thông tin giả, qua đó ẵm gọn hơn 2,2 tỷ đồng của 3 người. Ngay cả chủ hộ giúp V. nhập vào sổ hộ khẩu gia đình, V. cũng không từ. Được người này nhờ bán mảnh đất, V. lên mạng rao bán, giới thiệu đất của mình, qua đó giao dịch, chiếm đoạt được 210 triệu đồng.


Đáng nói hơn, qua nhiều lần chiếm đoạt với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng, V. đều chiếm đoạt tiền của người sau trả cho người trước và tiêu xài cá nhân hết. Đến khi xác minh tài khoản của V., tổng số tiền còn lại chỉ hơn 46.000 đồng! Đến thời điểm ra tòa, V. mới khắc phục được gần 600 triệu đồng. V. khai nhận lừa đảo do thiếu tiền tiêu xài! Nhưng có vẻ, mức tiêu xài của V. quá cao so với thu nhập và nhu cầu bình thường của đa số người dân, đặc biệt khi V. không bỏ sức lao động chính đáng. Thực tế, không phải vì thiếu tiền tiêu, mà vì bị cáo đã chọn không lao động nhưng vẫn được hưởng thụ. Tuy nhiên, nếu không làm gì mà vẫn giàu có thì chỉ có thể là lừa đảo! Và cái giá dành cho V. chính là 16 năm tù.


TAM THUẬT