10:12, 06/12/2019

Cách ứng xử

Cho tới khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đ.T.H (sinh năm 1984, trú xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) vẫn chưa làm dịu được bức bối trong lòng bị hại, cho dù trước đó họ từng là bạn bè thân thiết.

Cho tới khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đ.T.H (sinh năm 1984, trú xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) vẫn chưa làm dịu được bức bối trong lòng bị hại, cho dù trước đó họ từng là bạn bè thân thiết.


Nghe H. trình bày, bị hại liên tục lắc đầu. Giơ cánh tay từng bị H. đánh gãy, bị hại cho biết, đến giờ, anh vẫn chưa thể cử động bình thường. Nhưng H. chưa bồi thường cho anh đồng nào, còn kêu anh từ miền Bắc vào thương lượng mấy lần, rất tốn kém. Điều đó cho thấy bị cáo không có thành ý.


Vị chủ tọa ôn tồn yêu cầu cả hai xác nhận nội dung trong hồ sơ, theo đó, khi bị hại đang ở cơ sở kinh doanh thì H. đến đòi 1,3 triệu đồng tiền nợ mua gà đá. Bị hại nói: “Nợ gì mày... tao không nhớ, mày làm gì tao, mày thích bước vào đây chơi với tao, thằng chó!”. Nghe tòa đọc xong, bị hại thừa nhận, có chuyện hai bên chung tiền mua gà đá, thỏa thuận khi nào bán được gà thì chia tiền, nhưng thực tế là “tiền ảo”, bị cáo bỏ công đi tìm gà, thương lượng mua bán rồi bị hại bỏ tiền mua, bán xong mới chia nhau. Hôm đó, H. đến đòi tiền vào sáng sớm ngày cận Tết, nên bị hại có phần bực bội, nói những lời không chuẩn, thách thức H. Còn bị cáo lại thanh minh, do thỏa thuận vậy nhưng bị hại không trả và tránh mặt. Đúng lúc đó, bị cáo đang khó khăn, khi tới đòi lại bị thách thức mới sinh ức chế, nhặt thanh gỗ bên hàng rào đánh trúng tay bị hại. Nhưng vừa nghe bị hại la “đánh gãy tay rồi”, bị cáo hoảng sợ buông luôn khúc gỗ. Bị cáo có liên lạc bồi thường nhưng bị hại không chịu. Đến phiên tòa, bị cáo có mang theo 10 triệu đồng bồi thường. Ngoài ra, gia đình bị cáo có công với cách mạng, bị cáo lại đang là trụ cột gia đình, nuôi 2 con nhỏ, vợ không đi làm...


Nghe vậy, bị hại phản ứng tiếp: Mấy hôm trước bị cáo mới nói với bị hại vào sẽ đưa 20 triệu đồng nhưng đòi bị hại viết giấy bãi nại, như thể ra điều kiện; trong khi xử sơ thẩm, bị cáo đã tự nguyện thỏa thuận bồi thường cho bị hại 40 triệu đồng. Đến giờ, bị cáo chưa trả đồng nào, số tiền 20 triệu đồng hứa hẹn, giờ lại giảm còn 10 triệu đồng. Rõ ràng bị cáo không có thành ý!


Bị cáo lại tìm mọi lý lẽ giải thích: Vì bị hại ở xa; có liên lạc bồi thường nhưng bị hại không đồng ý; bị cáo không nộp cơ quan thi hành án vì lúc đó đang kháng cáo xin giảm mức bồi thường. Hiện nay, bị cáo chỉ còn 10 triệu đồng vì gia đình khó khăn đột xuất, trót tiêu vào khoản 20 triệu đồng đã hứa.


Hội đồng xét xử đã giảm 6 tháng tù cho bị cáo do gia đình có công với cách mạng, sau khi xét xử đã liên hệ bồi thường, tại phiên tòa cũng đề nghị bồi thường nhưng bị hại không nhận. Nghe tuyên, bị hại tỏ ra không đồng tình. Ra đến sân tòa, nhiều người dự còn thấy bị cáo đi theo, năn nỉ bị hại tha thứ. Nhưng bị hại vẫn căng thẳng: “Buôn chung, đi lựa gà tôi chi tiền xăng xe, ăn uống hết, vậy mà tôi vừa làm ăn không được đã lập tức đòi tiền, sống như vậy là không có tình. Đại diện viện kiểm sát cũng nói, bị cáo xin bồi thường mà như đang trả giá, không thành khẩn. Tôi có thể không nhận tiền bồi thường, nhưng pháp luật không thể tha thứ cho bị cáo”. Nói rồi, bị hại đi hỏi thủ tục khiếu nại giám đốc thẩm...


Một người dự lắc đầu: Chung quy cũng tại cách ứng xử. Nếu bị cáo chủ động bồi thường sớm, thăm hỏi bị hại chu đáo thì sao bị hại tức giận? Cũng có người cho rằng, bị cáo phạm tội đã rõ, nhưng ngay cả bị hại, nếu ban đầu nói rõ khó khăn và khất nợ thay vì thách thức, chắc gì bị cáo đã kích động đánh người, dẫn đến thù hận, mất đi tình bạn.


TAM THUẬT