11:01, 18/01/2022

Thực hiện hợp đồng thương mại, dân sự trong thời gian đại dịch Covid-19: Xử lý rủi ro thế nào?

Ngày 1-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447 chính thức công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Đến nay, nước ta đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4-2021 đến nay vẫn chưa kết thúc.

Ngày 1-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447 chính thức công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Đến nay, nước ta đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4-2021 đến nay vẫn chưa kết thúc. Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm tình hình sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc thực hiện các hợp đồng thương mại và dân sự.


Khó tránh khỏi những rủi ro


Các hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại… (trong lĩnh vực thương mại); các hợp đồng mua bán tài sản, thuê tài sản, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vận chuyển… (trong giao dịch dân sự) đều có thể bị đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến tất cả các nội dung hợp đồng đã giao kết, không kể giá trị hợp đồng lớn hay nhỏ. Điều đó đã đưa một bên hoặc cả hai bên ký kết hợp đồng vào tình huống phải đối mặt với việc vi phạm một hoặc nhiều nghĩa vụ hợp đồng, không thể tránh được.


Các hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thường là các nội dung chủ yếu, quan trọng của hợp đồng như: Số lượng tài sản, hàng hóa, chất lượng dịch vụ, giá cả, phương thức thanh toán, thời gian và địa điểm thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng đã được ký kết do bị cách ly xã hội, phong tỏa, giãn cách xã hội, đình chỉ nhập cảnh, các phương tiện giao thông vận tải như máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe tải vận chuyển hành khách, hàng hóa… không được phép hoạt động để phòng, chống đại dịch.


Nếu hợp đồng được ký kết trước thời điểm Nhà nước ta công bố dịch Covid-19 và việc thực hiện hợp đồng diễn ra trong thời gian dịch bệnh thì đó là sự kiện khách quan, hoàn toàn bất ngờ đối với các bên bởi nội dung trong hợp đồng đã không dự liệu trước tình huống này. Nếu hợp đồng được ký kết trong thời gian đã công bố dịch bệnh và việc vi phạm hợp đồng xảy ra do dịch bệnh thì cũng cần xác định rõ thời gian, địa điểm một cách cụ thể để đánh giá mức độ hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại đã xảy ra. Chính phủ công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc nhưng cho phép chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tùy tình hình mà áp dụng các biện pháp phù hợp để phong tỏa, cách ly y tế, cấm đi ra ngoài vì những lý do không cần thiết… Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy không có mẫu số chung cho các trường hợp vi phạm hợp đồng vì dịch bệnh Covid-19. Để tự bảo vệ mình, các doanh nghiệp, cá nhân đã và đang ký kết, thực hiện các hợp đồng thương mại và dân sự trong thời điểm hiện tại khi mà dịch bệnh chưa chấm dứt, cần có những tài liệu, chứng cứ, thông tin chính thức, chính xác và cụ thể. Các chủ thể không thể lập luận chung chung rằng vì dịch Covid-19 mà vi phạm hợp đồng, không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng, thoái thác trách nhiệm trước đối tác. Những rủi ro trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng thương mại và dân sự trong thời kỳ đại dịch là điều khó tránh khỏi. Bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng vì dịch bệnh và cả bên bị vi phạm hợp đồng có thể phải gánh chịu những thiệt hại ở các mức độ khác nhau.


Thương lượng trong giải quyết tranh chấp


Để giải quyết những ý kiến còn khác nhau về hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do dịch Covid-19, các bên cần đề cao và tôn trọng lợi ích của nhau theo hợp đồng đã ký kết trên cơ sở áp dụng triệt để nguyên tắc cơ bản, quan trọng của pháp luật dân sự là “thiện chí và trung thực”. Đây là chìa khóa để giải quyết những ý kiến khác nhau, những bất đồng khi xảy ra tranh chấp giữa các bên khi thực hiện hợp đồng đã ký. Điều 317 Luật Thương mại 2005 quy định về các hình thức giải quyết tranh chấp theo thứ tự trước sau, là: Thương lượng, hòa giải rồi mới đến giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài hoặc tòa án.


Thương lượng được đề cao trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, dân sự bởi vì nó là phương thức giải quyết tốt nhất, nhanh, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Trên thực tế, thương lượng trong giải quyết tranh chấp là một tập quán đã được thương nhân trong và ngoài nước thừa nhận từ lâu đời. Thương lượng chỉ thành công khi cả hai bên đều thiện chí và trung thực. Trong trường hợp thương lượng không thành công thì hòa giải thông qua người thứ ba làm trung gian (hòa giải viên, trọng tài viên, thẩm phán…) cũng là phương thức mà các cá nhân và doanh nghiệp nên lựa chọn. Có không ít vụ việc tranh chấp, tuy không thương lượng được nhưng hòa giải lại rất thành công vì có sự tham gia của người đứng ra hòa giải, qua đó các bên mới thể hiện hết mong muốn của mình để giải quyết tranh chấp một cách thiện chí nhất. Tất nhiên, khi thương lượng, hòa giải không thành công thì một bên hoặc các bên buộc phải dùng phương thức giải quyết bằng trọng tài thương mại hoặc tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.


Ngày 11-10-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đưa nước ta về trạng thái bình thường mới. Khi ký kết các hợp đồng thương mại và dân sự, các doanh nghiệp, cá nhân cần thận trọng và cân nhắc nhiều nội dung để thích ứng với tình hình bình thường mới. Đặc biệt, trong các hợp đồng thương mại và dân sự cần thỏa thuận trước các điều khoản về sự kiện bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh một cách cụ thể hơn để tránh gây thiệt hại và tranh chấp khi thực hiện hợp đồng.


TS. Lê Xuân Thân
Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tại Khánh Hòa