09:02, 16/02/2021

Áp lực giải quyết án dân sự

Thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế, đến nay, Tòa Dân sự TAND tỉnh chỉ còn 5 người (2 thẩm phán, 3 thư ký), bằng số lẻ biên chế vài năm trước...

Án tăng, nhân sự mỏng
 
Lý giải về vấn đề này, tại hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021, bà Lê Thị Hiền - Quyền Chánh tòa Dân sự Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh cho biết, theo quy định mới của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, “khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với tòa án thì thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh”. Từ đó, một loạt vụ án dân sự liên quan đến hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất do UBND cấp huyện cấp, trước đây thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện, nay do TAND tỉnh giải quyết. Trong khi đó, tranh chấp này lại nhiều, tính chất phức tạp. 
 
Thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế, đến nay, Tòa Dân sự TAND tỉnh chỉ còn 5 người (2 thẩm phán, 3 thư ký), bằng số lẻ biên chế vài năm trước. Ngoài ra, án dân sự sơ thẩm tăng kéo theo việc định giá tài sản tăng, khiến các thành viên Hội đồng định giá (đại diện Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng…) phải dành thời gian cho tòa nhiều hơn, trong khi vẫn phải thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan. Theo quy định mới, các sở nói trên chỉ được cử công chức thay vì có thể cử nhân viên hợp đồng đi định giá như trước. 
 
Luật bất cập khi đương sự không hợp tác 
 
Một nguyên nhân khác là nhiều đương sự không hợp tác cung cấp lời khai, chứng cứ; không cho tòa đo vẽ, định giá tài sản tranh chấp; không đến khi được tòa triệu tập nhưng lại liên tục gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan. Một số trường hợp còn manh động gây rối trật tự tại tòa. Như với 16 vụ án tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất và yêu cầu tháo dỡ công trình xây dựng trên đất giữa một cặp vợ chồng với nhiều bị đơn khác nhau tại huyện Vạn Ninh, khi tòa đến đo vẽ, định giá, một số bị đơn đã tập trung la hét, chửi bới, khóa cửa… Bên cạnh đó, một số cơ quan cũng chưa phối hợp tốt trong thực hiện yêu cầu cung cấp lời khai, chứng cứ, sao gửi hồ sơ… 
 
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng bất cập. Ví dụ, điều 217, điều 224 quy định, trường hợp đương sự chỉ rút một phần yêu cầu thì tòa án đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu đã rút nhưng việc này chỉ được ghi nhận trong bản án, không ra quyết định đình chỉ riêng. Vì thế, khi đương sự rút một phần yêu cầu, tòa sẽ không thu thập tài liệu, chứng cứ; không hòa giải về yêu cầu đã rút và không ra quyết định đình chỉ giải quyết phần yêu cầu đã rút. Tuy nhiên, khi mở phiên tòa, nếu đương sự lại yêu cầu giải quyết nội dung đã rút thì tòa bắt buộc phải dừng phiên tòa, quay lại quy trình thu thập chứng cứ, hòa giải đối với yêu cầu này khiến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, đương sự bức xúc.
 
Ngoài ra, dịch Covid 19 cũng ảnh hưởng nhiều đến việc giải quyết án dân sự của TAND tỉnh, nơi phải giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài. Đã có giai đoạn, tòa không được triệu tập đương sự, hạn chế xét xử tập trung đông người; ngưng ủy thác tư pháp ra nước ngoài để thu thập chứng cứ, tống đạt văn bản...
 
Tìm giải pháp khắc phục
 
Năm 2020, TAND tỉnh thụ lý 514 vụ án dân sự (gồm cả án hôn nhân và gia đình, án kinh doanh thương mại và án lao động); đã giải quyết được 336 vụ, đạt 65%, cao hơn năm trước 3% nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu thi đua của TAND Tối cao. 
Để khắc phục, lãnh đạo TAND tỉnh đã phân công thẩm phán, thư ký các tòa chuyên trách khác tham gia giải quyết án dân sự. Đồng thời, yêu cầu các thẩm phán, thư ký tích cực, chủ động giải quyết án dân sự hơn nữa; có thể thu thập chứng cứ từ các đương sự ở nước ngoài qua gia đình họ; giải thích, hướng dẫn để đương sự hợp tác; sử dụng phương tiện điện tử để gửi văn bản tố tụng và yêu cầu cung cấp chứng cứ nếu được đương sự chấp nhận. Tòa án cũng thường xuyên tập hợp vướng mắc để xử lý kịp thời hoặc kiến nghị TAND Tối cao hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.
 
Bên cạnh đó, TAND tỉnh cũng đề xuất và được TAND Tối cao cho phép điều tiết việc giải quyết án trong toàn tỉnh cho phù hợp, bằng cách biệt phái các thẩm phán trung cấp (kể cả chánh án, phó chánh án tòa án cấp huyện) xét xử một số vụ án thuộc thẩm quyền của TAND tỉnh. Trong thời gian biệt phái, các vị này vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại tòa án cấp huyện. Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh chuẩn bị ban hành nghị quyết về giải quyết án dân sự với nhiều giải pháp cụ thể. 
 
NGUYỄN VŨ