08:01, 09/01/2021

Thị trường chứng khoán ngày 8-1: Tiếp tục tăng giá và nghẽn lệnh sớm

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8-1, VN-Index đạt 1.167,69 điểm, tăng 11,2 điểm (+0,97%), với tổng giá trị giao dịch đạt trên 17.865 tỷ đồng. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp trong năm 2021.
 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8-1, VN-Index đạt 1.167,69 điểm, tăng 11,2 điểm (+0,97%), với tổng giá trị giao dịch đạt trên 17.865 tỷ đồng. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp trong năm 2021.
 
Ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng, nhà đầu tư tranh thủ gom hàng khi nỗi lo nghẽn lệnh sẽ xảy ra sớm trong phiên chiều, giúp sắc xanh lan tỏa thị trường và chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm, dễ dàng vượt mốc 1.160 điểm. Đà tăng được duy trì khi các mã cổ phiếu dòng Vin (VIC, VHM và VNM) dẫn dắt tăng điểm liên tục đẩy chỉ số VN-Index tăng hơn 15 điểm và vượt qua ngưỡng 1.170 điểm chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch. Hàng loạt mã tăng trần như IJC (Công ty CP phát triển hạ tầng kỹ thuật), PVD ( Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Dầu khí), VPS ( Công ty Cổ phần thuốc sát trùng VN), HAG ( Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai) …Tuy nhiên gần về cuối phiên sáng, thị trường đã hạ nhiệt do áp lực bán chốt lời gia tăng, nhiều mã quay đầu giảm điểm, trong đó các mã ngân hàng hàng lớn như BID, VCB, CTG…. Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 6,71 điểm (+0,58) với tổng khối lượng giao dịch đạt 635,23 triệu đơn vị, giá trị 13.258,73 tỷ đồng, tăng hơn 20% về khối lượng và giá trị so với phiên sáng ngày 7-1.
 

 

Kết quả phiên giao dịch chứng khoán ngày 8-1-2021
Kết quả phiên giao dịch chứng khoán ngày 8-1-2021
 
Chỉ ngay sau khi mở cửa phiên chiều khoảng hơn 30 phút, hệ thống giao dịch sàn HoSE ( Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh) lại bị nghẽn, gây bức xúc cho nhà đầu tư khi không đặt được lệnh mua bán. Anh Nguyễn Văn Nhân (Phường Vĩnh Phước – TP. Nha Trang) chia sẻ: “ Thường vào các phiên chiều, tôi thường tập trung mua bán nhiều, nhưng cả hơn 2 tuần nay ngày nào cũng xảy ra hiện tượng nghẽn mạng, thời gian nghẽn ngày càng sớm hơn, khiến tôi trở tay không kịp, không mua bán gì được cả. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, trong khi các loại phí, thuế giao dịch phải đóng đầy đủ, không thiếu một đồng”. Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nhàn - nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán tại Nha Trang cho biết công ty đã nhiều lần kiến nghị việc nghẽn lệnh liên tục vào các ngày qua và giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả thỏa đáng.Vì thế Công ty chỉ có thể cảnh báo cho nhà đầu tư nên tranh thủ đặt lệnh sớm khi thị trường chưa vượt qua mốc giao dịch khoảng 16.000 tỷ đồng mà thôi…
 
Đóng cửa, sàn HOSE có 311 mã tăng và 137 mã giảm, VN-Index tăng 11,2 điểm (+0,97%), lên 1.167,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 808,31 triệu đơn vị, giá trị 17.865,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 45,22 triệu đơn vị, giá trị 1.685,55 tỷ đồng. Các mã ngân hàng như TCB, STB, VPB, MBB, HDB … đã giữ vững đà tăng hỗ trợ tốt cho thị trường giữ sắc xanh. Sàn HNX có 91 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 1,17 điểm (+0,54%), lên 217,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 165 triệu đơn vị, giá trị 2.252,5 tỷ đồng. Mã KHP ( Điện lực Khánh Hòa ) đã có phiên tăng điểm sau nhiều phiên giảm điểm liên tiếp, đạt 7,01 điểm ( tăng 2,6%), với tổng khối lượng giao dịch trong ngày là 31.160 đơn vị.
 
Có thể thấy, mỗi một ngày thị trường chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến một kỷ lục mới về giá trị giao dịch. Giá trị giao dịch trung bình dao động trong những phiên gần đây từ 16.000-17.000 tỷ. Nếu hệ thống không gặp sự cố “đã biết trước”, con số này có thể lên đến 18.000 -20.000 tỷ mỗi ngày. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế thì trong giai đoạn ngắn hạn hiện nay do chưa có kênh nào hấp dẫn hơn thị trường chứng khoán, nên các nhà đầu tư sẽ không có lý do gì để rời bỏ thị trường khi kênh này vẫn tiếp tục mang lại lợi nhuận nhanh và tính thanh khoản cao, là niềm tin cho các nhà đầu tư tiếp tục góp vốn vào thị trường chứng khoán.
 
An Nguyễn