09:02, 23/02/2014

Bỏ tiền thật mua chất lượng ảo

Vì trót tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ trên truyền hình, đã có không ít người tiêu dùng bỏ tiền mua hàng hóa kém chất lượng.

Vì trót tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ trên truyền hình, đã có không ít người tiêu dùng (NTD) bỏ tiền mua hàng hóa kém chất lượng.


“Thổi phồng” công dụng


Thời gian gần đây, mua bán hàng qua kênh truyền hình nở rộ với đủ các mặt hàng, từ điện thoại thông minh, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm trị nám, làm trắng da cho đến thực phẩm chức năng, dụng cụ tập thể dục, đồ trang sức... Điểm chung của các sản phẩm quảng cáo trên truyền hình là hình ảnh, nội dung hiển thị rất sinh động với những cô người mẫu da trắng, dáng thon, những chiếc điện thoại mẫu mã đẹp, bắt mắt... Đặc biệt, các sản phẩm thường được ca ngợi với tính năng vượt trội, giá thành rẻ nhất trên thị trường và kèm theo hình thức khuyến mại hấp dẫn. Bên cạnh đó, những lời quảng cáo còn liên tục khuyến khích người xem đặt hàng ngay trong “giờ vàng” (giờ phát sóng) để được giảm giá. Cách thức giao dịch cũng rất tiện lợi, chỉ cần liên hệ qua điện thoại, sẽ có người giao hàng tận tay. Một số công ty cung cấp hàng hóa còn cam kết hoàn lại tiền nếu hàng không như quảng cáo. Thực tế, có không ít trường hợp đã mất tiền oan vì trót tin vào những lời quảng cáo này.

 

Chiếc chổi hút bụi mà bà C. mua không ưu việt như quảng cáo.
Chiếc chổi hút bụi mà bà C. mua không ưu việt như quảng cáo.


Thấy ti vi quảng cáo sản phẩm Hiphone 5 được ví như chiếc điện thoại thông minh hàng đầu hiện nay, với những tính năng ưu việt như: chụp ảnh sắc nét, xem phim, nghe nhạc chất lượng cao, giá rẻ chưa tới 2 triệu đồng... nên ông T.B.M (đường Dã Tượng, TP. Nha Trang) quyết định đặt mua. Vậy nhưng, khi sử dụng, ông M. vô cùng thất vọng. Chiếc điện thoại này nhái mẫu mã, giao diện, chức năng giống tới 90% chiếc iPhone 5, nhưng chất lượng rất kém. Loa rè, màu sắc hiển thị không nét, kết nối mạng chập chờn, khe cắm sim lỏng... Ông mang ra cửa hàng sửa điện thoại kiểm tra thì được biết “siêu phẩm” “made in China” này chỉ đáng giá khoảng 500.000 đồng. “Tôi cứ nghĩ hàng hóa phải được kiểm định trước khi quảng cáo trên ti vi. Với cách làm việc như thế này thì chẳng khác nào đài truyền hình tiếp tay cho lừa đảo” - ông M. bức xúc.


Bà Nguyễn Thị H. (đường Mê Linh, TP. Nha Trang) cũng ngao ngán không kém vì mua phải máy mát-xa bụng “dởm”. Bộ sản phẩm gồm một máy giá 380.000 đồng và 10 miếng dán hút mỡ giá 360.000 đồng. Theo lời quảng cáo trên ti vi, đây là một “đột phá trong công nghệ làm đẹp, không cần uống thuốc hỗ trợ, không cần ăn kiêng, không cần phẫu thuật, không tốn sức... Tuyệt đối an toàn và hiệu quả. Đứng cũng thon, ngồi cũng thon, nằm cũng thon. 3 phút đốt cháy mỡ, 15 phút đánh tan mỡ thừa…”. Vậy nhưng sau 1 tháng sử dụng, bà H. vẫn không giảm được chút mỡ bụng nào. Gọi điện tới số điện thoại mua hàng thắc mắc, bà được người cầm máy tư vấn là do sử dụng chưa đúng cách và cần tiếp tục sử dụng thêm một thời gian... Còn bà T.T.C (đường Tô Hiến Thành, TP. Nha Trang) bỏ gần 1 triệu đồng để mua chiếc chổi đa năng quảng cáo trên tivi để rồi xếp vào góc nhà. Bà C. kể, sản phẩm được quảng cáo là chổi đa năng, có thể hút tất cả các loại bụi bẩn và nhỏ gọn hơn máy hút bụi, có chương trình giảm giá. Bà gọi điện theo số điện thoại hiển thị trên màn hình và đề nghị được xem sản phẩm trước khi mua thì bên bán cho biết, công ty chỉ bán hàng trực tuyến, chỉ cần đặt hàng là sẽ có người mang đến tận nhà, nhận hàng xong mới trả tiền. Thấy vậy, bà C. cũng yên tâm. Hai ngày sau, nhân viên bưu điện mang hàng tới. Tuy nhiên, khi sử dụng, bà thấy chiếc chổi kém chắc chắn, một số chi tiết không giống với hình ảnh quảng cáo trên tivi, mỗi lần cắm điện sử dụng thì phát ra tiếng ồn rất lớn. Vì đã lỡ trả tiền nên bà C. đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.


Cần quản lý chặt


Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định, trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho NTD thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm: cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ; yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ. Còn theo Luật Quảng cáo, đài truyền hình không có trách nhiệm kiểm định chất lượng sản phẩm mà đây là trách nhiệm của các cơ quan kiểm định chất lượng. Trước khi phát quảng cáo, các kênh truyền hình phải có đủ giấy tờ kiểm định của cơ quan chức năng về sản phẩm. NTD có quyền khởi kiện nếu hàng hóa không đảm bảo chất lượng.


Theo bà Nguyễn Thị Trang - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, không ít NTD bị lừa nhưng không khiếu nại vì ngại mất thời gian vô ích. NTD không nên ham rẻ mà vội vàng mua sản phẩm nếu chưa kiểm tra kỹ thông tin về hàng hóa, người bán hàng và các chính sách bán hàng. Khi mua hàng, NTD phải yêu cầu bên bán cung cấp hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, giấy bảo hành và xem kỹ hàng hóa trước khi trả tiền. Nếu có khiếu nại về hàng hóa, NTD cần liên hệ với Hội Bảo vệ quyền lợi NTD hoặc các cơ quan có thẩm quyền để được bảo vệ quyền lợi. Nhà nước cần quy định rõ ràng, đầy đủ trách nhiệm của từng bên liên quan và kiểm soát chặt chẽ việc bán hàng trên truyền hình để các đối tượng không lợi dụng lòng tin của NTD mà kinh doanh gian dối.


A.THÁI