10:12, 26/12/2019

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ cao

Sau vụ việc 1 phụ nữ ở phường Phước Long (thành phố Nha Trang) bị các đối tượng gọi điện thoại giả danh công an lừa đảo, chiếm đoạt 4 tỷ đồng (Báo Khánh Hòa thứ Hai, ngày 23-12 đã thông tin) và nhiều vụ việc tương tự xảy ra trước đây, các ngân hàng đang tăng cường tuyên truyền các thủ đoạn lừa đảo đến khách hàng.

Sau vụ việc 1 phụ nữ ở phường Phước Long (TP. Nha Trang) bị các đối tượng gọi điện thoại giả danh công an lừa đảo, chiếm đoạt 4 tỷ đồng (Báo Khánh Hòa thứ Hai, ngày 23-12 đã thông tin) và nhiều vụ việc tương tự xảy ra trước đây, các ngân hàng đang tăng cường tuyên truyền các thủ đoạn lừa đảo đến khách hàng.


Mới xuất hiện thủ đoạn lừa đảo qua App


Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh, từ giữa năm 2019, các vụ việc có phương thức thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng. Trong đó, xảy ra nhiều nhất vẫn là thủ đoạn đối tượng sử dụng thiết bị điện tử công nghệ cao, kết nối mạng Internet thông qua dịch vụ điện thoại Voip, mạo danh các cơ quan thực thi pháp luật (như công an, viện kiểm sát, tòa án…) hoặc nhân viên bưu chính viễn thông, gọi điện cho người bị hại đe dọa yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt. Tuy các phương thức, thủ đoạn này không mới nhưng hoạt động của các đối tượng thay đổi tinh vi hơn nhằm dẫn dụ người bị hại tin vào kịch bản mà chúng ngụy tạo ra.

 

Nhân viên Vietcombank Khánh Hòa cảnh báo khách hàng các thủ đoạn lừa đảo.

Nhân viên Vietcombank Khánh Hòa cảnh báo khách hàng các thủ đoạn lừa đảo.


Công an tỉnh đã biên soạn tờ rơi cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo: gọi điện thoại giả danh, “bẫy tình” qua mạng xã hội, lấy cắp thông tin tài khoản, “hack” facebook mượn tiền, mua bán hàng qua mạng xã hội; đồng thời, hướng dẫn người dân cách để không “sập bẫy” tội phạm để các ngân hàng tuyên truyền đến khách hàng.


Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội cũng cảnh báo thủ đoạn tội phạm cho vay lãi suất cao qua App (ứng dụng) mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thời gian gần đây, một số cá nhân vay vốn thông qua App tải trên điện thoại với lãi suất có dấu hiệu vượt mức quy định Nhà nước cho phép. Qua rà soát, hầu hết các tài khoản mà người bị hại nộp tiền vào hàng tháng đều phản ánh chủ tài khoản là công ty có địa chỉ trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội. Nội dung khách hàng ghi trên chứng từ ngân hàng đều thể hiện “…trả nợ App cho vay…”. Trong đó, có 1 cá nhân vay tổng cộng tới 16 App khác nhau.


Làm gì để phòng ngừa?


Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn cho biết đã yêu cầu các cán bộ, nhân viên nắm bắt và tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo đến khách hàng. Đến giao dịch tại 1 ngân hàng, chị Lê Thị Kim Hân (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) cho biết: “Qua báo chí, tôi biết nhiều vụ việc lừa lấy cắp thông tin nên luôn bảo mật thông tin cá nhân, không cung cấp cho bất kỳ ai. Bản thân tôi cũng từng nhận được tin nhắn từ tài khoản facebook của người quen bị “hack” nói được người thân chuyển tiền mà tài khoản cá nhân không nhận được nên mượn tài khoản ngân hàng của tôi để gửi vào nhưng tôi không đồng ý”.

 

 

Để làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục cảnh báo các phương thức, thủ đoạn nêu trên đến khách hàng bằng nhiều hình thức như: dán nội dung cảnh báo tại quầy giao dịch, trụ ATM, nhắn tin qua điện thoại. Thường xuyên thông báo, tập huấn cho nhân viên dấu hiệu nhận diện đối với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo để chủ động phát hiện, phối hợp ngay với phòng trong ngăn chặn, xử lý khi có vụ việc xảy ra.


Qua thực tiễn cho thấy, các tài khoản mà đối tượng sử dụng để nhận tiền do nạn nhân chuyển hầu hết là tài khoản không chính chủ như: đối tượng đã sử dụng chứng minh nhân dân giả, chứng minh nhân dân của người khác để mở tài khoản, hoặc thuê người khác mở tài khoản, thẻ ngân hàng, hoặc mua lại các tài khoản, thẻ ngân hàng được rao bán trên mạng, rồi sử dụng các tài khoản này để nhận, chuyển tiền do phạm tội mà có. Vì vậy, các ngân hàng cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quy trình, thủ tục khi khách hàng đến đăng ký, mở tài khoản. Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ chứng minh nhân dân giả mạo, cần chủ động thông tin, phối hợp ngay với phòng để kiểm tra, xác minh nhanh tính xác thực của giấy tờ trên.


Bên cạnh đó, các ngân hàng tư vấn, hướng dẫn chi tiết cho khách hàng hiểu rõ chức năng, cách thức sử dụng các dịch vụ đi kèm khi đăng ký mở tài khoản (Internet Banking, Mobile Banking) cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng trong việc đăng ký, sử dụng, ý thức bảo mật thông tin tài khoản cá nhân nhằm tránh bị đối tượng, kẻ gian lợi dung, lấy cắp.


Đối với tội phạm cho vay lãi suất cao qua App, thông qua hoạt động nghiệp vụ, các ngân hàng chủ động phát hiện các trường hợp khách hàng vay lãi suất cao qua App để phối hợp với phòng ngăn chặn, xử lý kịp thời; đồng thời các ngân hàng có biện pháp phòng ngừa theo chức năng, hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng thông qua việc mở rộng các gói vay lãi suất thấp, ưu đãi đến người dân.


NAM DU