10:06, 26/06/2019

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Nền tảng công nghệ ngày càng phát triển, thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là các dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng phổ biến.
 

Nền tảng công nghệ ngày càng phát triển, thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là các dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng phổ biến.
 
Kích thích thanh toán không dùng tiền mặt
 
Khi mua giày tại cửa hàng của một thương hiệu có tiếng trên đường Lý Thánh Tôn (TP. Nha Trang), chị Hà (Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, TP. Nha Trang) rất bất ngờ và phấn khởi vì được giảm tới 15% khi thanh toán qua POS dù không có thẻ thành viên. Mức giảm này tương đương với mức giảm dành cho khách hàng có thẻ vip. Tại chuỗi cửa hàng của một nhãn hàng thời trang nữ được giới công sở yêu thích, ngoài chương trình giảm giá đồng loạt dành cho mọi sản phẩm còn giảm thêm 10% trên hóa đơn cho khách hàng thanh toán bằng QR Pay. Đây là giải pháp thanh toán tiện lợi chỉ với thao tác quét mã VNPAY-QR, là định dạng mã QR thanh toán do Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam - VNPAY liên kết với các ngân hàng triển khai. Tại một số ngân hàng áp dụng hoàn tiền hoặc tặng quà cho các giao dịch thanh toán thẻ, thường đi kèm với những giải pháp và ưu đãi cho khách hàng nhằm kích thích thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Thanh toán qua di động rất thuận tiện.
Thanh toán qua di động rất thuận tiện.
 
Theo ông Lý Văn Tuyên - Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa, hiện nay, khách hàng có nhiều lựa chọn thanh toán qua Internet banking, mobile banking, tại các đơn vị chấp nhận thẻ, trên các kênh liên kết mua sắm trực tuyến, các dịch vụ ngân hàng tự động đang áp dụng cho khách hàng của Vietcombank. Để kích thích người tiêu dùng thanh toán thẻ, ngân hàng đã áp dụng hoàn tiền cho khách hàng theo doanh số chi tiêu thẻ và liên kết với các đối tác cho khách hàng mua hàng trả góp thanh toán bằng thẻ Vietcombank với lãi suất 0%. Đến cuối tháng 6, doanh số chuyển tiền qua các kênh Internet banking và mobile banking qua Vietcombank Khánh Hòa đạt 16.900 tỷ đồng; có hơn 250.000 khách hàng đăng ký các dịch vụ ngân hàng điện tử. Hiện nay, ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai thanh toán qua mã QR, phương thức thanh toán còn khá mới mẻ và đầy tiềm năng. Tuy mới triển khai nhưng chi nhánh đã thực hiện được khoảng 60 đơn vị lớn là các cửa hàng xăng dầu, khách sạn, bệnh viện, trung tâm thương mại. Trước mắt, tập trung cho các đơn vị chấp nhận thẻ của Vietcombank Khánh Hòa rồi dần mở rộng thị phần. 
 
Tại Agribank Chi nhánh Khánh Hòa, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ mobile banking và Internet banking không ngừng tăng lên qua từng năm. Với dịch vụ mobile banking, năm 2017, có 5.587 khách hàng sử dụng, năm 2018 đã có 10.484 khách hàng và 5 tháng đầu năm 2019 có 5.700 khách hàng. Với dịch vụ Internet banking, năm 2017, có 1.600 khách hàng đăng ký mới, năm 2018 là 2.700 khách hàng, 5 tháng đầu năm 2019 có gần 3.500 khách hàng. Theo bà Lê Phùng Thu Hà - Trưởng phòng Dịch vụ marketing và Điện toán Agribank Chi nhánh Khánh Hòa, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua điện thoại di động và các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt giúp khách hàng thực hiện giao dịch thuận tiện, tiết giảm thời gian, chi phí và giao dịch an toàn; phục vụ khách hàng thanh toán hóa đơn điện, nước, cước dịch vụ viễn thông, truyền hình, phí bảo hiểm, phí vận chuyển, học phí, viện phí, vé tàu, xe, máy bay, các dịch vụ hành chính công; thanh toán mua hàng hóa tại các điểm bán lẻ…
 
Cần nhiều giải pháp
 
Việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích: kích thích chi tiêu, thuận tiện cho khách hàng, an toàn trong giao dịch, giảm chi phí in ấn, phát hành tiền mặt, giảm quá tải rút tiền mặt tại các trụ ATM nhất là dịp lễ, Tết… Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thay đổi thói quen dùng tiền mặt trong thanh toán của người dân. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, ngân hàng đại lý hoạt động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; ứng dụng công nghệ thông tin phát triển đa dạng kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: ngân hàng điện tử, ngân hàng di động, ngân hàng đại lý; tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; tập trung thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip theo lộ trình… Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu đãi để kích thích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. 
 
Tại Việt Nam, tỷ lệ người dân dùng điện thoại thông minh rất cao và với sự phát triển của thanh toán di động hiện nay qua QR Pay, trong tương lai, không chỉ mua sắm ở các trung tâm thương mại, cửa hàng, cửa hiệu… mà ngay cả ở chợ, người dân cũng có thể không cần tiền mặt. 
 
 

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối năm 2018, giao dịch qua hệ thống POS trên địa bàn tỉnh tăng trưởng mạnh, đạt hơn 3,8 triệu giao dịch với giá trị 11,5 nghìn tỷ đồng; thực hiện thanh toán tiền thuế, thu phạt vi phạm hành chính, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước, thu phí dịch vụ công trực tuyến qua ngân hàng là 279.550 món với doanh số thanh toán 33.438 tỷ đồng; thanh toán tiền điện 145.991 khách hàng, số tiền 1.714 tỷ đồng; thanh toán tiền nước 58.586 món với doanh số thanh toán 36,45 tỷ đồng; thanh toán học phí 192 món, số tiền hơn 5 tỷ đồng; thanh toán viện phí 30 tỷ đồng; chi trả an sinh xã hội 225 món với số tiền 0,8 tỷ đồng.


 
 
NAM DU