10:03, 25/03/2021

Xác định quy mô, đầu tư chăn nuôi hợp lý

Theo Luật Chăn nuôi, quy mô chăn nuôi của cơ sở chăn nuôi không còn được tính bằng số lượng con như trước đây, thay vào đó là số lượng đơn vị vật nuôi (viết tắt là đơn vị nuôi - ĐVN). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định quy định về mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
 

Theo Luật Chăn nuôi, quy mô chăn nuôi của cơ sở chăn nuôi không còn được tính bằng số lượng con như trước đây, thay vào đó là số lượng đơn vị vật nuôi (viết tắt là đơn vị nuôi - ĐVN). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định quy định về mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
 
Xác định quy mô chăn nuôi bằng đơn vị vật nuôi
 
Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, ĐVN là đơn vị quy đổi của gia súc, gia cầm theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính. Công thức tính để chuyển đổi số lượng vật nuôi sang ĐVN trên cơ sở hệ số đơn vị vật nuôi đã được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 21 Nghị định số 13 ngày 21-1-2020 hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi của Chính phủ. Trong đó, có thể hiểu là mỗi ĐVN tương đương khoảng 500kg khối lượng vật nuôi sống. Chẳng hạn đối với heo ngoại được xác định có trọng lượng hơi trung bình 100kg. Như vậy, 5 con heo ngoại, tương đương 500kg được tính là 1 ĐVN. Đối với gà, giống gà nội có trọng lượng trung bình 1,5kg, như vậy ĐVN đối với gà nội khoảng 333 con gà (tương đương với 500kg gà). Đối với gà công nghiệp, trọng lượng trung bình của gà hướng thịt là 2,5kg, như vậy 1 ĐVN đối với giống gà này tương đương 200 con. Đối với các cơ sở chăn nuôi hỗn hợp gồm gia súc, gia cầm, tổng số ĐVN của cơ sở được tính trên tổng số từng loại gia súc và gia cầm nhân với hệ số đơn vị vật nuôi tương ứng của nó.

 

Quy mô chăn nuôi được xác định bằng đơn vị vật nuôi thay vì số con như trước.
Quy mô chăn nuôi được xác định bằng đơn vị vật nuôi thay vì số con như trước.
 
Theo cơ quan chuyên môn, khái niệm mới về ĐVN sẽ là cơ sở để xác định quy mô và mật độ trong chăn nuôi. Về quy mô chăn nuôi, các quy định cũng chỉ rõ, những cơ sở chăn nuôi có từ 300 ĐVN trở lên được xác định là chăn nuôi trang trại quy mô lớn; từ 30 đến dưới 300 ĐVN là chăn nuôi trang trại quy mô vừa; từ 10 đến dưới 30 ĐVN là chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và dưới 10 ĐVN là chăn nuôi nông hộ. Việc xác định này nhằm áp dụng các quy định, yêu cầu khác nhau đối với từng quy mô chăn nuôi. Tất nhiên, các yêu cầu về môi trường, vệ sinh thú y… ở những trang trại chăn nuôi quy mô lớn sẽ gắt gao hơn so với trang trại chăn nuôi nhỏ hơn. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh cũng được áp dụng khác nhau đối với các cơ sở có quy mô chăn nuôi khác nhau.
 
Về mật độ chăn nuôi, Chính phủ đã quy định khu vực Duyên hải miền Trung được phép phát triển mật độ chăn nuôi đến năm 2030 là 1 ĐVN cho mỗi héc-ta đất nông nghiệp. UBND cấp tỉnh quyết định mật độ chăn nuôi của địa phương nhưng không vượt quá mật độ chăn nuôi vùng theo quy định của Chính phủ. Điều này được hiểu, đơn cử như thị xã Ninh Hòa có 80.000ha đất nông nghiệp thì các động vật nuôi của địa phương này sau khi quy đổi không được quá 80.000 ĐVN.
 
Cam Lâm đạt ngưỡng chăn nuôi
 
Ngày 9-3-2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02 quy định về mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo quyết định này, mật độ chăn nuôi của tỉnh đến năm 2030 không vượt quá 1 ĐVN/ha đất nông nghiệp. Riêng mật độ chăn nuôi của TP. Nha Trang tối đa là 0,5 ĐVN/ha đất nông nghiệp.
 
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 300.000 con heo, 70.000 con trâu, bò và 2,8 triệu con gia cầm. So với diện tích sản xuất nông nghiệp, quy mô chăn nuôi trong tỉnh vẫn nằm ở mức trung bình thấp so với cả nước. Nói khác đi, Khánh Hòa không phải là một tỉnh trọng điểm về chăn nuôi.
 
Ông Lê Thắng cho biết, mật độ chăn nuôi hiện nay tại các địa phương trong tỉnh hầu hết mới chỉ đạt trong khoảng 0,2 đến 0,6 ĐVN/ha, nhiều địa phương còn thấp hơn. Chẳng hạn như: Huyện Khánh Vĩnh có 103.665ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng mới chỉ có 9.568 ĐVN, tương ứng với mật độ chăn nuôi khoảng 0,09 ĐVN/ha. Con số này ở Khánh Sơn là 0,16 ĐVN/ha. Riêng tại Cam Lâm, thủ phủ chăn nuôi của tỉnh, diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện là 42.370ha, đến nay huyện đã có 38.257 ĐVN, mật độ chăn nuôi là 0,9 ĐVN/ha đất nông nghiệp. Như vậy, địa phương này đã sắp sửa đạt ngưỡng giới hạn cho phép là 1 ĐVN/ha theo quy định mật độ chăn nuôi của tỉnh đến năm 2030.
 
Như vậy, việc UBND tỉnh quy định mật độ chăn nuôi đến năm 2030 nhằm để định hướng phát triển chăn nuôi của các địa phương trong tương lai; giúp các doanh nghiệp, hộ dân muốn đầu tư vào chăn nuôi có cái nhìn tổng quát hơn về tiềm năng phát triển chăn nuôi của các địa phương, từ đó định hướng đầu tư hợp lý.
 
HỒNG ĐĂNG