10:03, 23/03/2021

Phát triển đô thị theo hướng thông minh, toàn diện

Ngày 23-3, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp nghe Sở Xây dựng báo cáo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng dự.

Ngày 23-3, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp nghe Sở Xây dựng báo cáo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng dự.


Tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng trung tâm


Theo dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. TP. Nha Trang tiếp tục là đô thị loại I, trong đó tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại những phường nội thị và các xã dự kiến nâng cấp thành phường nhằm hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan. TP. Cam Ranh phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II, trong đó tập trung đầu tư phát triển các khu công nghiệp, huy động nguồn lực để phát triển các khu dân cư, khu đô thị, khu tái định cư, nhà ở xã hội… nhằm thúc đẩy gia tăng dân số đô thị, hoàn thiện các tiêu chí hạ tầng. Thị xã Ninh Hòa tiếp tục là đô thị loại IV nhưng sẽ tập trung xây dựng đồng bộ các tuyến đường giao thông kết nối khu vực đô thị và nông thôn, nâng cấp bổ sung các tuyến phố văn minh đô thị. Các huyện: Diên Khánh, Vạn Ninh và thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm) phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại IV thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng theo đúng tiêu chuẩn hiện hành.

 

Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh được định hướng phát triển là đô thị du lịch.

Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh được định hướng phát triển là đô thị du lịch.


Ông Trần Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tổng vốn dự kiến để đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm cho chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025 là 111.508 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư công là 48.211 tỷ đồng. Cụ thể, TP. Nha Trang vốn đầu tư công khoảng 14.888 tỷ đồng; TP. Cam Ranh khoảng 2.118 tỷ đồng; thị xã Ninh Hòa khoảng 533 tỷ đồng… Để thực hiện tốt các dự án đầu tư phát triển đô thị, Sở Xây dựng đề xuất đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư đi kèm các chính sách ưu đãi. Tỉnh cũng cần tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư phát triển đô thị từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị.

 

Vùng trung tâm TP. Nha Trang thiếu quỹ đất dành cho giao thông

Vùng trung tâm TP. Nha Trang thiếu quỹ đất dành cho giao thông


Theo ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, với 48.211 tỷ đồng đầu tư công trong 5 năm, cần phải xác định rõ kế hoạch, công trình cụ thể để thực hiện, trong đó nêu rõ công trình nào có nhà ở, công trình nào là hạ tầng. Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nguồn vốn 12.600 tỷ đồng đầu tư công mỗi năm trên toàn tỉnh còn khá khiêm tốn nhưng cũng không dễ thực hiện được. Ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị: “Sở Xây dựng rà soát lại danh mục dự án đang thực hiện, các dự án dự kiến triển khai đầu tư để xây dựng danh mục dự án, lộ trình thực hiện. Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách cũng nên có danh mục các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư”.


Lo ngại giao thông đô thị


Theo ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, hiện nay, các khu đô thị mới đã cơ bản đáp ứng về tỷ lệ đất giao thông theo quy định đối với đô thị loại I. Tuy nhiên, ở vùng lõi của TP. Nha Trang, đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 8% so với quy định tối thiểu 24%. Với tốc độ đô thị hóa quá nhanh và số lượng phương tiện giao thông tăng đột biến như hiện nay, khi xây dựng chương trình phát triển đô thị phải tính toán để hạn chế tình trạng quá tải hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, vấn đề nan giải là vận tải công cộng theo quy định của đô thị loại I phải đáp ứng được 15% nhu cầu, tuy nhiên TP. Nha Trang mới đáp ứng được 1%. Vì vậy, trong kế hoạch thực hiện chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025, phải tập trung nguồn lực giải quyết vấn đề này.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, hiện nay, giao thông đối ngoại của TP. Nha Trang và các đô thị lân cận tương đối tốt với nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai như: Đường vành đai 2, đường vành đai 3, nút giao thông Ngọc Hội, các nút giao thông kết nối sân bay Nha Trang, Tỉnh lộ 3, đường D30… Tuy nhiên, giao thông đối nội của đô thị hạt nhân còn quá nhiều bất cập, cần tính toán, đưa vào kế hoạch thực hiện. Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 phải bám sát, cụ thể hóa các giải pháp của Nghị quyết số 06 ngày 11-1-2021 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 17 ngày 15-1-2021 của HĐND tỉnh; kế hoạch phải cụ thể, từ mục tiêu, nguồn lực, lộ trình thực hiện. Sở Xây dựng cập nhật các nội dung liên quan trong Chương trình phát triển đô thị của Trung ương vào chương trình của tỉnh; đồng thời, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện, trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 3.


VĂN KỲ