09:02, 21/02/2021

Bảo đảm truyền tải điện an toàn, liên tục

Trong thời gian tới, vấn đề truyền tải điện để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh cũng như giải phóng lượng điện của các nhà máy sản xuất điện trên địa bàn tỉnh hết sức cấp bách. Do đó, ngành điện sẽ đẩy mạnh đầu tư lưới điện truyền tải để vượt qua thách thức. 
 

Trong thời gian tới, vấn đề truyền tải điện để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh cũng như giải phóng lượng điện của các nhà máy sản xuất điện trên địa bàn tỉnh hết sức cấp bách. Do đó, ngành điện sẽ đẩy mạnh đầu tư lưới điện truyền tải để vượt qua thách thức. 
 
Nhiều dự án điện công suất lớn 
 
Thời gian gần đây, Khánh Hòa trở thành trung tâm sản xuất năng lượng lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với hàng loạt dự án điện mặt trời, nhiệt điện. Hiện nay, lưới truyền tải điện do Công ty Truyền tải điện 3 quản lý bảo đảm giải tỏa công suất của 13 nhà máy điện mặt trời và thủy điện tải lên lưới với tổng công suất 650MW. Một số dự án có công suất rất lớn như dự án Nhà máy Điện mặt trời KN Vạn Ninh công suất 100MWp, Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn công suất 170MWp; cả 2 dự án này đều đã phát điện, hòa lưới. Đặc biệt, dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng vốn lên tới 2,58 tỷ USD có tổng công suất 1.320MWp sẽ được hoàn tất xây dựng và đi vào vận hành thương mại trong năm 2023.

 

Người lao động Công ty Truyền tải điện 3 vệ sinh trạm biến áp.
Người lao động Công ty Truyền tải điện 3 vệ sinh trạm biến áp.
 
Tại buổi thăm, phát động ra quân sản xuất đầu năm mới Tân Sửu 2021 ở Công ty Truyền tải điện 3, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, bên cạnh những dự án sản xuất điện đã đi vào vận hành, đến năm 2023, khi Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 hoàn tất xây dựng và đi vào vận hành thương mại; mỗi năm nhà máy dự kiến cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh thì vấn đề truyền tải sẽ đặt ra nhiều thách thức với công ty. Đồng chí đề nghị công ty hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ truyền tải điện, bảo đảm an toàn, giảm thiểu rủi ro, tổn thất trên lưới điện và cùng với tỉnh sớm hoàn thành dự án Trạm biến áp 500kV Vân Phong, đường dây 500kV từ Vân Phong đi Vĩnh Tân - tỉnh Bình Thuận (2 mạch) dài 173km, để đồng bộ Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa trên toàn tỉnh.
 
Bước chuẩn bị cho tương lai
 
Năm 2020, Khánh Hòa liên tiếp đón nhiều nhà đầu tư tiềm năng đến tìm hiểu cơ hội đầu tư liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Các nhà đầu tư quan tâm về lĩnh vực điện khí như: Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Millennium (Mỹ), Liên danh nhà đầu tư Embark United và Tập đoàn QuanTum (Mỹ), Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương Mại Tuấn Dung và Công ty TNHH Tài Tâm, Công ty Phát triển điện lực J-Power (Nhật Bản)… 
 
Đến nay, Tập đoàn Sumitomo đã chuẩn bị hồ sơ để khởi động dự án điện khí (song song với việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1). Công ty Phát triển điện lực J-Power cũng đã đạt được các thỏa thuận cơ bản trong việc thuê 40ha đất với Công ty TNHH Hoàn Cầu - Vân Phong (chủ đầu tư Khu Công nghiệp Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) để sử dụng làm dự án điện khí. Nhà máy điện khí này có công suất 3.000MWp, chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, triển khai nhà máy với 2 tổ máy có tổng công suất 1.500MWp, vận hành thương mại vào năm 2025; giai đoạn 2 có công suất 1.500MWp và vận hành thương mại sau năm 2028.
 
Để có thể đáp ứng được truyền tải điện trong tương lai, giai đoạn 2021 - 2025, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ đầu tư xây dựng lưới truyền tải cấp điện áp 220kV và 500kV trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Qua đó, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ việc thu hút đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm như: TP. Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh, Khu Kinh tế Vân Phong. Các hạng mục đầu tư chính gồm: Trạm biến áp 500kV Vân Phong công suất 1.800MVA, đường dây 500kV từ Vân Phong đi Vĩnh Tân (2 mạch) dài 173km, Trạm biến áp 220kV Cam Ranh và Ninh Hòa với tổng công suất 750MVA, đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm - tỉnh Ninh Thuận (2 mạch) dài 88km và tiếp tục thi công mạch 2 đường dây 220kV Nha Trang - Krông Búk - tỉnh Đắk Lắk dài 150km…
 
Ông Nguyễn Công Thắng - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 khẳng định: “Nhiệm vụ truyền tải điện trên địa bàn Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh nam miền Trung - Tây Nguyên nói chung trong thời gian tới rất nặng nề, nhất là vấn đề giải phóng công suất của các nhà máy sản xuất điện. Xác định trách nhiệm trong việc bảo đảm truyền tải điện an toàn, liên tục cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, ổn định thị trường điện Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng, thời gian tới, công ty tiếp tục thi đua, đổi mới, sáng tạo trong mọi hoạt động để đóng góp hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước và của tỉnh”.
 
 

 
Hiện nay, Công ty Truyền tải điện 3 quản lý vận hành lưới truyền tải điện cấp điện áp 220kV và 500kV trên địa bàn 9 tỉnh nam miền Trung và Tây Nguyên. Tổng chiều dài đường dây của công ty quản lý 5.174km và 20 trạm biến áp có tổng công suất 11.723MVA. Riêng lưới truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gồm 3 tuyến đường dây 220kV với tổng chiều dài 394km và 2 trạm biến áp 220kV Nha Trang, Vân Phong với tổng công suất 813MVA. Năm 2020, sản lượng điện truyền tải cấp cho tỉnh gần 1,4 tỷ KWh, chiếm 62% phụ tải toàn tỉnh. 
 
 

 

ĐÌNH LÂM