10:12, 02/12/2020

Thiếu vốn di dời lưới điện nông thôn

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đồng ý phương án di dời lưới điện nông thôn ra khỏi phần đất của người dân trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, nguồn vốn để thực hiện di dời là vấn đề cần phải tiếp tục tháo gỡ.
 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đồng ý phương án di dời lưới điện nông thôn ra khỏi phần đất của người dân trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, nguồn vốn để thực hiện di dời là vấn đề cần phải tiếp tục tháo gỡ.
 
Di dời từng bước
 
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa), trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn kilômét đường dây điện trung thế, hạ thế đang vận hành ở khu vực nông thôn. Trong đó, nhiều nhất là huyện Vạn Ninh gần 600km, các huyện: Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh khoảng 1.000km, thị xã Ninh Hòa gần 400km. Ngoài ra, gần 1.200 trạm biến áp đang được sử dụng ở vùng nông thôn. Trong đó, có 3.530 cột điện, 157.000m đường dây trung áp và hạ áp, gần 10.000 công tơ điện và 63 trạm biến áp đang nằm trong phần đất của các hộ cần phải di dời. Để có thể hoàn thành phần việc này, tổng kinh phí thực hiện ước tính gần 132 tỷ đồng.

 

Thi công lưới điện nông thôn tại Ninh Hòa.
Thi công lưới điện nông thôn tại Ninh Hòa.
 
Qua khảo sát, PC Khánh Hòa đã đưa ra 2 phương án thực hiện. Phương án 1, lập dự án đầu tư di dời cho toàn bộ lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đối với phương án này, chủ đầu tư có thể lập dự án tổng thể, phê duyệt và bố trí vốn một lần để thực hiện dự án. Song, việc bố trí nguồn vốn triển khai cho cả dự án cùng lúc vô cùng khó khăn cho cả PC Khánh Hòa và UBND tỉnh. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện tổng thể hồ sơ dự án sẽ mất rất nhiều thời gian và không khả thi. Phương án 2, tập trung giải quyết cho từng trường hợp cấp thiết, từng địa phương cụ thể. Phương án này sẽ thuận lợi hơn bởi nguồn vốn bố trí hàng năm cho công tác di dời vừa phải, có thể bố trí được bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước hoặc vốn vay của các tổ chức tín dụng; khối lượng thực hiện hàng năm ít, tính khả thi cao và nhất là giải quyết dứt điểm cho từng trường hợp cụ thể theo kế hoạch đã lập; công tác lập, phê duyệt hồ sơ thực hiện nhanh và chính xác.
 
Trong phương án trình UBND tỉnh, Sở Công Thương đề xuất chọn phương án 2 để thực hiện. Ngày 16-11, đồng chí Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Công Thương. UBND tỉnh giao PC Khánh Hòa chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện công tác cải tạo, di dời lưới điện nông thôn để bảo đảm an toàn điện theo quy định. Trong đó, ưu tiên thực hiện tại địa bàn các xã có nhiều bức xúc, xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Sở Công Thương theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện, kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
 
Đề xuất gỡ khó
 
Tuy phương án đã được phê duyệt nhưng để thực hiện, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn. Ông Nguyễn Cao Ký - Tổng Giám đốc PC Khánh Hòa cho rằng, việc di dời đường dây trung, hạ áp thuộc chương trình phủ điện nông thôn trước đây ra khỏi phạm vi diện tích đất của người dân đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, gần 132 tỷ đồng, vượt quá khả năng tài chính của công ty. Những năm vừa qua, ảnh hưởng của bão, lụt gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh. Ngành Điện đã chi tới hàng chục tỷ đồng để khắc phục tạm thời; thời gian tới, phải tiếp tục củng cố, khôi phục lưới điện. Do đó, công ty kiến nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn ngân sách cho các địa phương di dời lưới điện; sau đó, PC Khánh Hòa sẽ tiếp nhận và quản lý vận hành lưới điện; hoặc tỉnh có chính sách hỗ trợ PC Khánh Hòa tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và cấp bù lãi suất để có vốn thực hiện di dời lưới điện.

 

Thi công lưới điện nông thôn tại Diên Khánh.
Thi công lưới điện nông thôn tại Diên Khánh.
 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bé - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, di dời lưới điện nông thôn không thuộc danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, không có chính sách vay ưu đãi và cấp bù lãi suất trong trường hợp PC Khánh Hòa muốn vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển Khánh Hòa. Hạng mục này cũng không thuộc diện được bố trí vốn ngân sách cho các địa phương thực hiện, bởi nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách cấp tỉnh không có chế độ, chính sách hỗ trợ cho các dự án cấp điện nông thôn.
 
Nhằm tháo gỡ khó khăn này, đầu tháng 11, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh cho PC Khánh Hòa được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển Khánh Hòa theo danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ thêm nguồn vốn, giảm bớt áp lực về lãi suất ngân hàng cho công ty khi thực hiện cải tạo, di dời lưới điện nông thôn. Về nội dung này, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh.
 
Đình Lâm - Công Định